Những năm qua, bên cạnh các nguồn vốn từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội thì quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều hộ nông dân nghèo. Từ nguồn quỹ này, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã giải quyết cho trên 1.560 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho gia đình.
Ban Điều hành quỹ HTND (HND tỉnh) rà soát danh sách các dự án vay vốn. |
Xác định việc xây dựng, phát triển quỹ HTND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2011, HND tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể để HND các huyện, thành phố chủ động xây dựng triển khai kế hoạch, xây dựng quỹ. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã phát triển thêm 1 quỹ huyện và 13 quỹ HTND cơ sở, nâng tổng số quỹ HTND cơ sở lên 161 quỹ (chiếm 75,6% so với số xã, thị trấn) và 8 quỹ cấp huyện (đạt 80% số huyện có quỹ). Tổng số vốn hoạt động của quỹ cấp tỉnh và cơ sở đạt trên 7,2 tỷ đồng, tăng 741 triệu đồng so với năm 2010. Trong đó vốn ủng hộ có trên 3,79 tỷ đồng; vốn mượn trên 614 triệu đồng; vốn vay các kênh trên 539 triệu đồng; vốn ủy thác từ quỹ HTND Trung ương trên 1,1 tỷ đồng. Các đơn vị làm tốt công tác vận động xây dựng quỹ và có nguồn vốn hỗ trợ cao như: xã Xuân Trung (Xuân Trường) 103 triệu đồng; xã Giao Tiến (Giao Thủy) 144 triệu đồng; xã Hải Đông (Hải Hậu) 71 triệu đồng; xã Mỹ Xá (TP Nam Định) 61 triệu đồng. Một số huyện có tỷ lệ xây dựng quỹ đạt cao như: Xuân Trường 100% số xã; Nghĩa Hưng có 24/25 xã; Hải Hậu 30/35 xã; Giao Thủy 18/20 xã có quỹ HTND. Để nguồn vốn quỹ HTND sử dụng hiệu quả, năm 2011, HND tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ HTND cho trên 300 cán bộ quản lý quỹ cấp huyện và cơ sở. Từ nguồn quỹ HTND, các cấp HND trong tỉnh đã giải quyết cho 1.560 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Trong năm 2011, từ nguồn vốn quỹ cấp tỉnh đã cho 5 hộ ở xã Nam Dương (Nam Trực) vay tổng số vốn 50 triệu đồng để phát triển dự án chăn nuôi lợn sinh sản.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều cơ sở Hội chưa xây dựng được quỹ, chưa tổ chức được hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn giúp nông dân; một số địa phương quỹ có tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô vốn quá nhỏ; cơ chế chỉ đạo, quản lý và điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ, dịch vụ hỗ trợ vốn chưa thực sự rõ ràng và chưa thống nhất. Các mô hình được vay vốn còn nhỏ, chưa lồng ghép và phát huy tối đa các chương trình dự án khác của Hội với hoạt động hỗ trợ vốn trong việc tham gia thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy thời gian tới các cấp HND trong tỉnh cần chủ động đổi mới phương thức cho vay, tăng cường quản lý hoạt động của quỹ; đối tượng cho vay cần hướng tới những người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, HND tỉnh cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các quỹ mới thành lập nhằm đưa hoạt động của các quỹ theo đúng điều lệ, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng làm tốt hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học giúp các hộ nông dân vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn