Đường về…

09:12, 23/12/2011

Mới 41 tuổi nhưng người đàn ông ấy có đến 17 năm “lạc đường” trong ma tuý; khiến anh phải trả một cái giá thật đắt: gia cảnh túng quẫn, sức khỏe suy kiệt; bị nhiễm HIV. Nhưng khác với nhiều người cùng cảnh ngộ, bằng sự quyết tâm, trong sự yêu thương bao bọc của người thân, của cộng đồng, 4 năm qua anh đã từ bỏ được hẳn ma túy, vượt qua mọi sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV, đang nỗ lực làm tất cả những gì tốt đẹp có thể làm cho người thân, cho những người cùng cảnh ngộ…

Theo chỉ dẫn của anh qua điện thoại, tôi tìm đến một công trình đang xây dựng trên đường Kênh (TP Nam Định), nơi anh đang tham gia lắp đặt hệ thống điện nước. Nhảy từ một cái hố sâu quá đầu người lên mặt đất, Nguyễn Văn Minh xuất hiện trước mặt tôi trong bộ quần áo lao động lấm lem đất cát, miệng cười tươi chào hỏi rồi xăng xái kê lại mấy cái ghế ngồi, rót nước, pha trà mời khách. Trông anh hoàn toàn khoẻ mạnh, đặc biệt rất thân thiện, khác hẳn với hình dung ban đầu của tôi về một người từng nghiện ma tuý, lại đang nhiễm HIV. Trong câu chuyện với tôi, bằng giọng trầm buồn anh bắt đầu kể về những năm tháng “lạc đường”, về việc anh bị nhiễm HIV, về nỗi buồn đau bản thân và những người thân của anh đã phải gánh chịu, về những gì đã giúp anh đoạn tuyệt được với ma tuý và về những việc anh đang làm với tư cách là một đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của huyện Ý Yên. Tuy nhiên, sự nhạy cảm nghề nghiệp khiến tôi không thể tin ngay những gì anh nói. Đó là lý do hôm sau, tôi tìm về nơi gia đình anh đang sinh sống, làng Đinh Khu, xã Yên Phong (Ý Yên). Từ nơi này trở về, tôi mới thực sự tin rằng những gì Minh nói với tôi, nhất là việc anh đã từ bỏ được ma tuý hoàn toàn là sự thật.

Minh quê ở làng Đinh Khu nhưng anh lại sinh ra, lớn lên ở Thành phố Nam Định. Bố anh có 2 vợ. Bà cả không có con, tình nguyện “đi đội lễ hỏi vợ cho chồng” rồi về quê chồng sống một mình. Minh là con út trong 6 người con của bà hai. Trước đây gia đình anh thuộc diện khá giả ở Thành phố Nam Định khi cùng lúc có đến mấy cửa hàng ăn ở phố Trần Hưng Đạo. Nhà giàu, lại là con út nên từ bé Minh đã được nuông chiều. Ở tuổi 17, 18 với Minh việc chơi “quan trọng” nhiều hơn việc học hành, phấn đấu. Đua đòi theo chúng bạn, Minh sớm bỏ học, mắc nghiện ma tuý lúc nào không hay. Phát hiện ra “quý tử” đã sa chân vào con đường nghiện ngập, ông bố, vốn quanh năm bận rộn với việc kinh doanh, vội vã gửi Minh về quê nhờ bà vợ cả quản lý, chăm sóc. Ông hy vọng làm việc đó sẽ tách được cậu con quý tử ra khỏi môi trường đầy cám dỗ ở thành phố. Chẳng ngờ, làng quê Yên Phong khi ấy cũng không còn giữ được sự bình yên. Nhiều thanh niên trong xã ra ngoài làm ăn cũng mắc nghiện ma tuý. “Trốn” được bạn nghiện ở thành phố, Minh lại bị “bủa vây” bởi những bạn nghiện mới ở quê, cuối cùng nghiện vẫn hoàn nghiện. Không có hộ khẩu ở quê nên Minh cũng không có ruộng để làm. Sẵn có “máu” kinh doanh của gia đình, lại nhanh nhẹn, tháo vát, Minh theo nghề buôn xe đạp, xe máy để kiếm sống và cũng là để có tiền hút chích. Thời điểm ấy, nghề này đang là nghề “thời thượng”, giúp Minh kiếm được không ít tiền. Anh lấy được vợ, chị Đào Thị Chiều, một cô gái cùng xã cũng là nhờ cái tiếng biết làm ăn, buôn bán này. Chị Chiều kể, về làm vợ Minh, có với nhau hai mặt con rồi mà chị vẫn không biết chồng mình nghiện ma tuý. Nghe hàng xóm bàn tán, chị về truy vấn chồng nhưng anh chối, chị tạm tin chồng nhưng từ đó âm thầm theo dõi. Một buổi tối,  từ trong buồng bước ra chị “đứng tim” khi tận mắt thấy chồng đang ngồi trên giường chích ma tuý. Nghe anh vừa thú nhận vừa van xin. Chị lặng người, đau đớn chấp nhận sự thật phũ phàng. Như người đời vẫn thường nói “củ mài ăn xuống, thuốc phiện ăn lên”. Kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ cho Minh dùng ma tuý. Được một thời gian, bao nhiêu vốn liếng buôn bán bị Minh “đốt sạch” thành khói trắng. Không còn vốn để buôn bán, Minh bắt đầu quay sang kiếm tiền hút chích bằng cách đi làm thuê. Từ đào móng, đóng cọc, đội đất đến bốc mả thuê anh không nề hà, miễn sao có tiền. Trong một thời gian dài, cứ vài ngày Minh lại dối vợ phải đi làm sớm để rồi 4 giờ sáng đã mò ra Thành phố Nam Định mua thuốc, tìm chỗ chích xong mới đến chỗ làm. Thế rồi, đầu năm 2007, Minh bị ốm nặng, phải vào Bệnh viện đa khoa Ninh Bình điều trị. Tại đây, hai vợ chồng anh đã “chết điếng người” khi bác sỹ cho biết Minh đã bị nhiễm HIV. Trở về, chị Chiều vội vã đưa hai con gái vào viện làm xét nghiệm, thật may cả ba mẹ con không ai bị nhiễm. Nhưng kể từ đó, gia đình Minh bắt đầu trải qua những ngày tháng đầy bi kịch. Tin Minh bị nhiễm HIV do dùng kim tiêm chung để chích ma tuý nhanh chóng lan khắp làng trên, xóm dưới. Mẹ đẻ anh (lúc này bố, mẹ cả đều đã mất, mẹ đẻ Minh về quê sống cùng vợ chồng anh) xấu hổ không dám bước chân ra đường. Ngoài cấy mấy sào ruộng, chị Chiều cũng phải đi đội đất, phụ hồ để kiếm thêm tiền nuôi con. Bình thường, đến lúc ăn cơm mấy người cùng làm quây quần ăn uống, nói chuyện vui vẻ.

Từ ngày biết chồng bị nhiễm HIV, đến bữa họ lẳng lặng tìm chỗ khác ngồi ăn, bỏ chị lại một mình. Giận chồng, gia cảnh ngày càng túng quẫn cộng với sự kỳ thị của mọi người, đã có lúc chị toan dứt áo ra đi. Hai đứa con của Minh cũng khổ sở vì mỗi ngày đến trường lại bị bạn bè trêu chọc. Phần Minh, trận ốm nặng cùng tờ giấy của bệnh viện xác nhận bị nhiễm HIV khiến Minh bị suy sụp nhanh chóng, người chỉ còn da bọc xương, riêng nửa phía dưới bị liệt. Minh kể, khi ấy trong nỗi ân hận, đau đớn, dày vò đến tuyệt vọng nhiều lần anh đã có ý định tự tử bằng cách cố lết đến gần ổ phích điện để dí tay vào song lần nào cũng không thành, lần không đủ sức, lần bị người nhà phát hiện. Đúng lúc cuộc sống tưởng như bế tắc, đổ vỡ ấy, anh Nguyễn Phi Thường, Trưởng trạm Y tế xã Yên Phong đã thường xuyên tới nhà Minh để thăm hỏi, động viên. Với kiến thức chuyên môn, anh tận tình tư vấn cho cả nhà cách phòng tránh việc lây truyền. Đích thân anh lên Trung tâm Y tế huyện Ý Yên làm thủ tục cho Minh được hưởng chế độ điều trị cho người nhiễm HIV theo phương pháp uống thuốc ARV. Sức khoẻ của Minh nhờ có anh tư vấn, hỗ trợ điều trị cũng dần được bình phục, cũng là lúc Minh đoạn tuyệt hẳn được với ma tuý. Trong câu chuyện, Minh cũng nhắc nhiều đến vợ, đến mẹ, hai người phụ nữ vì anh phải chịu nhiều đau khổ nhưng chính họ đã dành cho anh tất cả tình yêu thương để anh đứng dậy làm lại cuộc đời. Chị Chiều tâm sự, nén lại những tủi hờn, ngày ngày, đi làm về chị lại cùng mẹ chồng tận tình thay nhau chăm sóc, động viên anh. Minh kể, anh không bao giờ quên những đêm vợ anh thức trắng xoa chân, bóp tay cho chồng. Ngoài suất ruộng của mình, chị còn mượn thêm mấy sào ruộng cấy thêm, đảm bảo cuộc sống cho cả nhà. Những tình cảm sâu nặng ấy là động lực khiến anh thấy mình phải quyết tâm điều trị, luyện tập để bình phục sức khoẻ, quyết tâm đoạn hẳn với ma tuý. Trong câu chuyện Minh cũng nhắc nhiều đến anh Phan Văn Việt, một người thợ xây cùng xã thường xuyên đến động viên, thăm hỏi. Khi sức khoẻ của Minh bình phục, anh đưa Minh đi theo các công trình phụ trách việc lắp đặt điện nước. Nhờ có anh Việt, giờ đây Minh thường xuyên có việc làm, thu nhập, chung sức với vợ lo cho cả gia đình 5 người... Kể về công việc của một đồng đẳng viên, Minh nhắc đến chị Nguyễn Thị Huế, người xã Yên Thọ, cùng bị nhiễm HIV như Minh nhưng bị lây từ chồng.  Hiện chị Huế là Trưởng nhóm đồng đẳng viên huyện Ý Yên. Hoàn cảnh, nghị lực, những lời động viên thăm hỏi, tinh thần lạc quan của chị càng làm Minh thấy mình không những phải sống mà cần phải sống có ích. Hiện tại, ngoài công việc làm điện nước, mỗi khi biết có những người cùng cảnh ngộ như mình, Minh lại thu xếp công việc tìm cách tiếp cận, lấy chính quá khứ lầm lỡ của mình, bằng một tình cảm chân thành động viên, thăm hỏi, tư vấn giúp họ cách từ bỏ ma tuý, điều trị HIV, phòng việc lây truyền.

Sóng gió đã tạm qua đi! Hôm về Đinh Khu, tới thăm gia đình Minh, tôi được chứng kiến niềm vui đã lại tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ. Đã 85 tuổi nhưng mẹ Minh vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ tâm sự, Minh còn được như ngày hôm nay khiến cụ mừng quên đi tuổi già. Từ ngày Minh đi làm trở lại, mấy mẹ con giao ước “con chưa về mẹ chưa ăn cơm”. Cụ bảo, chẳng còn sống được bao lâu, cụ muốn dành tất cả tình cảm trong những năm tháng cuối đời cho Minh để anh có thêm nghị lực vượt qua khó khăn của bệnh tật. Hai vợ chồng cũng khoe nhờ tích cóp cộng với anh em hỗ trợ nên mới sửa lại được ngôi nhà đã xuống cấp. Ăn bữa cơm trưa chung với 5 mẹ con, bà cháu, chứng kiến niềm vui của mọi thành viên trong ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng, tôi cảm nhận với họ mùa xuân thực sự đã lại về!

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com