Năm 2010, tại 355 trường THCS trên toàn quốc đã triển khai thí điểm ứng dụng bản đồ tư duy (BĐTD) trong dạy và học để tiến tới áp dụng đại trà ở tất cả các trường học nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc giảm tải nội dung dạy học. Ở tỉnh ta, ngành GD và ĐT khuyến khích giáo viên cấp THCS triển khai dạy học bằng BĐTD, kết hợp với các phương pháp dạy học khác giúp học sinh học tập tích cực, chủ động, hiểu bài sâu sắc, có hệ thống và yêu thích bộ môn học hơn. Trong thời gian tới, phương pháp dạy học này sẽ tiếp tục được áp dụng ở tất cả các cấp học.
Giờ học bằng phương pháp bản đồ tư duy của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định). |
Để áp dụng BĐTD trong dạy học, cần phải giảm tải mạnh những nội dung trùng lặp, nhàm chán, không phù hợp... nhưng không giảm yêu cầu giáo dục đã đề ra. Cùng với giảm tải, giáo viên phải áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, từng bước chuyển cách dạy và học từ chỗ trang bị kiến thức cho người học sang dạy học sinh cách tiếp nhận và tìm tòi kiến thức, vận dụng vào thực tế và biến thành kỹ năng của mình. Việc triển khai dạy học bằng BĐTD kết hợp với các phương pháp dạy học khác chính là công cụ phù hợp mà các trường học đang thực hiện để tiến hành giảm tải đạt chất lượng. Cô giáo Ngô Thị Trà, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết: “Sau khi được bồi dưỡng về phương pháp dạy học bằng BĐTD, tôi thấy công việc của mình đỡ vất vả nhiều so với cách dạy truyền thống trước đây. Dạy học bằng BĐTD giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và nhớ chính xác những nội dung bài học. Bên cạnh đó, phương pháp BĐTD giúp các em không thấy nhàm chán vì bài học dài dòng mà luôn sôi nổi, hào hứng từ đầu đến cuối tiết học. Phương pháp này còn đặc biệt có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy lôgíc cho học sinh, giúp cho cô và trò có điều kiện tập trung thảo luận sâu và phát triển vấn đề cốt lõi của bài học”. Trong quá trình dạy và học trước đây, mô hình dạy học bằng BĐTD đã được nhiều giáo viên áp dụng nhưng ở mức độ đơn giản hơn như làm sơ đồ, bảng biểu... Việc thực hiện của các thầy, cô giáo cũng chưa hoàn chỉnh, bài bản và chưa được áp dụng thường xuyên, là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức... bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lý, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh, các cụm từ diễn đạt khác nhau, cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể thể hiện dưới dạng BĐTD theo một cách riêng, do đó việc lập BĐTD phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người. Tuy hình thức tương tự như làm sơ đồ, bảng biểu nhưng BĐTD được thực hiện ở mức độ cao và có những ưu điểm hơn hẳn, giúp học sinh khái quát được vấn đề và phát huy tính chủ động, sáng tạo của mình. Trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học này, các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy bằng BĐTD đều có chung nhận xét: Vật liệu làm BĐTD dễ kiếm, cách làm đơn giản và có thể vận dụng trong các điều kiện của các nhà trường hiện nay. BĐTD có thể được vẽ trên giấy bìa, bảng phụ, sử dụng bút chì, màu, phấn, tẩy... hoặc cũng có thể thiết kế trên powerpoint hay các phần mềm tin học chuyên dùng để hỗ trợ thiết kế BĐTD. Với các trường được trang bị công nghệ thông tin có thể cài vào phần mềm máy tính chương trình thiết kế BĐTD cho cán bộ, giáo viên và học sinh sử dụng.
Qua khảo sát ở một số trường cho thấy, sử dụng BĐTD trong dạy học kiến thức mới đã giúp học sinh học tập chủ động, tích cực và huy động được tất cả học sinh trong lớp tham gia xây dựng bài một cách hào hứng. Với sản phẩm độc đáo gồm kiến thức và hội họa, giáo viên và học sinh đều cảm thấy phấn khởi từ sự sáng tạo trong bài học hàng ngày. Cách học này còn phát triển được năng lực riêng của từng học sinh không chỉ về trí tuệ thông qua khả năng vẽ và viết ngắn gọn, súc tích nội dung bài học trên BĐTD mà còn giúp các em hệ thống hóa kiến thức khi tổng hợp những kiến thức đã học để chọn lọc các ý để ghi trên bản đồ. Hình thức trình bày, kết hợp hình vẽ, chữ viết, màu sắc và sự vận dụng kiến thức được học qua sách vở và cuộc sống cũng khiến bài học thêm sinh động, học sinh ghi nhớ sâu sắc kiến thức, tránh lối học vẹt, thuộc lòng máy móc, đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm và trình bày trước đám đông. Tuy nhiên, sau khi áp dụng phương pháp dạy học này, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng, trong quá trình giảng dạy, giáo viên không nên tuyệt đối hoá vai trò của BĐTD, coi BĐTD là công cụ vạn năng trong dạy học. Cần thận trọng khi áp dụng BĐTD vào dạy bài mới, bởi với những bài có nội dung dài và khó, nếu yêu cầu học sinh vẽ BĐTD tại lớp thì sẽ không phù hợp vì bị khống chế thời gian mỗi tiết học, việc vẽ BĐTD mất nhiều thời gian cân nhắc để lựa chọn hình ảnh, đường nét, màu sắc; tìm từ khoá theo nét liên kết. Mặt khác, việc sa đà vào trang trí BĐTD sẽ tốn nhiều thời gian trên lớp. Nếu khắc phục được những điều này, BĐTD sẽ phát huy hiệu quả, là phương pháp dạy học tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục./.
Bài và ảnh: Hồng Minh