Những năm qua, huyện Trực Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan công quyền, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, đem lại tiện ích cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
“Dấu ấn” dễ nhận thấy trong quá trình triển khai dự án hiện đại hóa nền hành chính ở huyện Trực Ninh, đó là sự ra đời, hoạt động của website huyện năm 2010. Tuy thiết kế còn đơn giản nhưng website đã cung cấp khá đầy đủ các lĩnh vực, từ các văn bản mới, các thủ tục hành chính, các lĩnh vực thuộc cấp huyện, xã; đặc biệt là kết nối với Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” huyện để triển khai dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực đất đai. Tại đây, người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai khá thuận lợi, chỉ việc đến nộp tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa UBND huyện, lấy mã số hồ sơ. Sau khi nhận hồ sơ, Trung tâm giao dịch hành chính một cửa sẽ chuyển hồ sơ cho Phòng TN và MT, sau đó đăng tải trên website ngày, giờ trả kết quả. Anh Phạm Văn Định ở xã Trực Cát lên Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện nhận kết quả chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho biết: “Chỉ cần lấy mã số điền vào ô tìm kiếm hồ sơ, đúng ngày hẹn lên Trung tâm lấy kết quả đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức đi lại”. Mặc dù, chỉ mới hoạt động thử nghiệm nhưng dịch vụ hành chính công này đã cấp chứng nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất cho 125 trường hợp khá chính xác, kịp thời. Để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, góp phần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình tin học hoá quản lý trong hành chính nhà nước, từ tháng 1 đến tháng 6-2011, UBND huyện đã triển khai dự án ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành của UBND huyện với tổng số vốn thực hiện là 260 triệu đồng. Dự án bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng với việc xây dựng hệ thống mạng LAN giữa văn phòng UBND huyện và 10 cơ quan, đơn vị gần UBND huyện với khoảng 40 máy, lắp đặt mạng không dây trong các phòng họp phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành quản lý nhà nước của UBND huyện; nâng cấp website huyện nhằm cung cấp tài liệu, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện, đặc biệt là các văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, tài chính, đầu tư xây dựng...; tiến hành công khai thủ tục hành chính cấp xã, cung cấp số liệu thống kê về kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, dự án còn đào tạo, nâng cao khả năng khai thác thông tin mạng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức của huyện và các xã, thị trấn.
Trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" xã Trung Đông (Trực Ninh) ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của nhân dân. |
Được sự giúp đỡ của Trung tâm tin học (Sở TT và TT), UBND huyện đang triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc. Đây là phần mềm khá tiện ích để quản lý việc nhận, chuyển các loại văn bản, giấy tờ từ UBND huyện xuống các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện. Anh Dương Văn Mai, cán bộ phụ trách thông tin văn phòng UBND huyện cho biết: “Chỉ tính riêng tại Văn phòng UBND huyện, số lượng văn bản mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khá lớn, có ngày lên tới 26 văn bản gồm văn bản hành chính Nhà nước, tờ trình, công văn, giấy mời… Nếu xử lý không tốt, một văn bản cán bộ thực hiện sẽ tốn thời gian đến nửa ngày bởi phải qua nhiều khâu, từ đánh máy, in ấn, photocopy, gửi bưu điện đến các xã, thị trấn ở xa. Bây giờ, nhờ có máy móc hiện đại và phần mềm quản lý hồ sơ, công việc, mỗi văn bản chúng tôi chỉ mất vài phút để sao chụp, chuyển đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn. Không chỉ tiện lợi, việc ứng dụng phần mềm cũng giúp văn phòng UBND huyện cũng như các đơn vị tiết kiệm kinh phí mua giấy, mực in…”. Để thuận tiện truy cập, UBND huyện đã cung cấp mã truy cập phần mềm cho 82 đơn vị đầu mối trong huyện. Theo thống kê của UBND huyện, sau nửa năm triển khai phần mềm, chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường và khoa học công nghệ đã có gần 1.000 văn bản từ văn phòng UBND huyện gửi xuống các cơ quan, địa phương. Ngoài ra, UBND huyện ban hành quy chế đối với các đơn vị, mỗi ngày 2 lần vào 9 giờ sáng và 15 giờ chiều; cán bộ văn phòng các xã, thị trấn đều phải mở để cập nhật các giấy mời, văn bản nên các cuộc họp, các chủ trương, chỉ đạo của UBND huyện xuống cơ sở đều rất kịp thời. Nhiều trường hợp các xã ở xa trung tâm huyện trước đây giấy mời đến muộn, hoặc bị thất lạc đến nay điều này đã không còn xảy ra. Một chương trình đang được UBND huyện triển khai thử nghiệm là giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo UBND huyện và các xã, thị trấn. Bước đầu chương trình đã được lắp thử nghiệm tại 5 xã: Trực Hùng, Trực Phú, Trực Đại, Trực Cường, Trực Thắng. Qua thực tế cho thấy, tuy thiết bị đơn giản nhưng chất lượng đường truyền hình ảnh, âm thanh rõ ràng. Dự án thành công sẽ giúp đội ngũ cán bộ chính quyền trong huyện bớt khó khăn trong việc đi lại, họp hành, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa giúp chủ trương của huyện nhanh chóng được cơ sở nắm bắt. Song song với việc hiện đại hóa nền hành chính, UBND huyện, 21 xã, thị trấn cũng đang tích cực tranh thủ các nguồn lực đầu tư, mua sắm trang thiết bị CNTT để nâng cao hiệu quả làm việc. Đến nay trung bình mỗi xã, thị trấn có từ 4 đến 6 bộ máy vi tính, cơ bản đáp ứng nhu cầu làm việc, tra cứu thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức xã, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc. Anh Mai Xuân Chiều, cán bộ văn phòng UBND xã Trực Chính cho biết: “Trước kia, nhiều công văn, giấy mời họp của xã phải mang ra cửa hàng dịch vụ đánh máy, photo rồi mới mang đi gửi, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến nhiều việc khác, từ khi UBND xã đầu tư 7 dàn máy vi tính có máy in và được kết nối internet cùng với việc cán bộ, công chức xã tích cực nghiên cứu, học tập nên đến nay việc thao tác trên máy đã khá thành thạo, việc tiếp dân, xử lý công việc cũng nhờ vậy mà thuận tiện hơn”.
Việc ứng dụng CNTT để hiện đại hóa nền hành chính ở huyện Trực Ninh đã giảm thiểu rườm rà khi giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng công tác chuyên môn của cán bộ, công chức. Thời gian tới huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính bằng việc triển khai mạnh mẽ phần mềm quản lý văn bản - hồ sơ công việc, nâng cấp các dịch vụ hành chính công, đầu tư trang thiết bị tổ chức hội nghị trực tuyến giữa UBND huyện với tất cả các xã, thị trấn, đồng thời mở các lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính./.
Bài và ảnh: Nguyễn Đức Thiện