Năm 2009, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân lái máy xúc, quê ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông vì xô vào đàn bò đi ngang đường. Mặc dù sự việc có nhiều người chứng kiến, nhưng vì không có biên bản tai nạn giao thông của công an nên hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) của anh Tuấn không thể giải quyết được.
Thời gian qua, cơ quan BHXH từng tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ cho người lao động khi tham gia các hoạt động ngoài giờ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn như thi thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ… do cơ quan tổ chức hoặc được cơ quan cử tham gia. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp đó cơ quan BHXH đều không thể giải quyết. Bởi theo Thông tư 03 ngày 30-1-2007 của Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152 ngày 22-12-2006 của Chính phủ về Luật BHXH đã quy định: “Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà các công việc đó gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công” mới được hưởng chế độ TNLĐ. Ngoài khó khăn do quy định không rõ ràng, cơ quan BHXH còn gặp vướng mắc khi giải quyết chế độ cho các trường hợp bị tai nạn trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc. Theo Luật BHYT, quỹ BHYT chỉ thanh toán cho những trường hợp tai nạn nhưng không vi phạm về giao thông. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp bị tai nạn như vấp ổ gà, xô vào súc vật… do vội đưa người bị nạn đi cấp cứu nên đều không có biên bản xác định của cảnh sát giao thông. Vì thế, người lao động không được giải quyết chế độ TNLĐ vì thủ tục không đảm bảo. Bên cạnh đó, khó phân định trường hợp nào làm việc công, trường hợp nào làm việc tư, dẫn đến những kẽ hở và khả năng bị lợi dụng để hưởng chế độ. Theo quy định tại Điều 44, Luật BHXH, quỹ BHXH chi trả trợ cấp TNLĐ cho người bị TNLĐ “được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện”, còn trong thời gian điều trị TNLĐ thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Điều này cũng phát sinh nhiều vấn đề. Phần lớn các đối tượng bị TNLĐ đã hưởng BHYT khi điều trị thương tật. Để đảm bảo sự chính xác, cơ quan BHXH phải tiến hành thẩm định việc sử dụng chi phí khám chữa bệnh do TNLĐ khiến thời gian giải quyết hồ sơ TNLĐ kéo dài hơn so với quy định, người lao động chậm được hưởng chế độ TNLĐ. Nhằm ngăn chặn hành vi giả mạo, gian lận hồ sơ TNLĐ để trục lợi, Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 8-3-2005 đã quy định rõ về thời hạn điều tra và lập biên bản, nhưng nhiều đơn vị không điều tra, lập biên bản kịp thời, đến khi đề nghị giải quyết chế độ mới hợp thức hóa việc lập biên bản. Ngoài ra, việc điều trị thương tật của người lao động chưa ổn định đã đi giám định và lập biên bản xác định tỷ lệ mất sức lao động tạm thời hoặc có trường hợp giám định bệnh tật và thương tật không phải do TNLĐ… cũng gây khó khăn cho cơ quan BHXH khi xét duyệt chế độ.
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC, hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông. Theo đó, người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông, trong khi chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra, khi đi khám chữa bệnh được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Khi có đủ căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra hoặc trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, người đó phải có trách nhiệm hoàn trả các khoản chi phí khám chữa bệnh cho quỹ BHYT. Riêng các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi và người từ 80 tuổi trở lên sẽ được hưởng chế độ BHYT theo quy định mà không cần phải thực hiện việc xác định hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26-12-2011 sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để công tác giải quyết chế độ TNLĐ cho người lao động đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng người, đúng chính sách./.