Diễu hành hưởng ứng Tháng Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2011 tại Thành phố Nam Định. |
Theo thống kê của ngành Y tế, đến ngày 31-10-2011, tỉnh ta có hơn 4.000 người nhiễm HIV; gần 2.000 người mắc bệnh AIDS và có trên 1.000 bệnh nhân đã tử vong vì AIDS. Qua phân tích cho thấy, có hơn 57% số người nhiễm HIV do sử dụng ma túy. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các chương trình phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông được triển khai trên diện rộng với nhiều hình thức phong phú như truyền thông lưu động, biểu diễn văn hoá văn nghệ, treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp..., tư vấn trực tiếp cho các đối tượng là người nghiện chích ma tuý, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV, gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm nguy cơ khác. Trong 9 tháng năm 2011, có gần 300 nghìn người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS được tư vấn; gần 5.000 người được tư vấn tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí; gần 1.000 người được điều trị thuốc kháng vi rút ARV; gần 1 triệu bơm kim tiêm và hơn 500 nghìn bao cao su được cấp phát miễn phí. Bên cạnh đó, ngành Y tế duy trì và nâng cao chất lượng công tác phòng chống HIV/AIDS tại 75 xã, phường trọng điểm và củng cố hoạt động phòng chống HIV/AIDS của 154 xã, phường trong toàn tỉnh. Từ năm 2008, tỉnh ta đã triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, đến năm 2010 phong trào được triển khai tại 58 khu dân cư và thành lập 58 nhóm nòng cốt với 317 thành viên.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2011, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về HIV/AIDS trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh; tổ chức các hoạt động giao lưu với nội dung về HIV/AIDS tại các CLB người nhiễm, người có hành vi nguy cơ cao và tại cộng đồng; tổ chức các hội thảo về phòng chống HIV/AIDS; tăng cường quảng bá về các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại tỉnh; vận động và tổ chức thăm hỏi động viên người nhiễm và ủng hộ CLB người nhiễm; chỉ đạo các xã, phường, đơn vị đồng loạt tổ chức lễ mít tinh diễu hành vào sáng 27-11-2011…
Trong thời gian tới để mục tiêu ba không: “không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS” thành hiện thực, cần đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa tuyên truyền, giáo dục truyền thông. Bởi khi hiểu rõ về tác hại, mỗi người sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp để tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm, biết cách chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, nâng cao giáo dục truyền thông góp phần thay đổi hành vi cá nhân, xã hội sẽ không còn kỳ thị với người bệnh. Các đối tượng như nghiện ma túy, mại dâm cũng ý thức hơn trong việc sử dụng các biện pháp như bao cao su, bơm kim tiêm sạch… Như vậy sẽ hạn chế con đường lây nhiễm căn bệnh này. Điều quan trọng nữa là tăng cường công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS./.
Bài và ảnh: Minh Thuận