Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được triển khai thực hiện sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Sau hơn một năm triển khai chương trình, thực tế cho thấy ở địa phương nào nông dân tự giác và tích cực tham gia thì tiến độ xây dựng NTM ở nơi đó diễn ra nhanh và ngược lại. Người dân không chỉ tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình xây dựng NTM, từ xây dựng chủ trương, góp ý kiến về quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư, giám sát quá trình triển khai... Ở xã Hải Đường (Hải Hậu), 1 trong số 11 xã điểm của toàn quốc, từ việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên mọi người dân trong xã ai cũng hiểu xây dựng NTM là phục vụ lợi ích của nhân dân. Qua hơn 2 năm triển khai, xã đã huy động tổng số vốn đầu tư đạt gần 71 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là gần 25 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 34 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp là gần 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, nhân dân địa phương đã đầu tư trên 51,5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và xây mới nhà ở; chỉnh trang ao, vườn, sân, ngõ và hoàn thiện các công trình vệ sinh của gia đình. Đến nay, xã Hải Đường đã triển khai 19 dự án với tổng mức đầu tư trên 39 tỷ đồng, trong đó đã hoàn thành 16 dự án xây dựng trường học, công trình giao thông và các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội khác với tổng vốn trên 34 tỷ đồng. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, Hải Đường đã hoàn thành 13 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM) và có thêm 3 tiêu chí đạt tiến độ thực hiện trên 50%. Tại xã Trực Nội nhờ thực hiện tốt biện pháp huy động tổng lực các nguồn đóng góp của dân nên chỉ sau hơn một năm đã huy động được 58,050 tỷ đồng, vượt so với trước khi xây dựng NTM 8 tiêu chí. Hiện tại xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội bằng nguồn lực chính là sức dân. Tại xã Hiển Khánh (Vụ Bản), khi làm đường giao thông nông thôn nhiều người dân như ông Đồng Văn Hưng, xóm Liên Xương, ông Bùi Văn Nhu, xóm chợ Lời đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất, góp vật liệu xây dựng… góp phần cùng nhân dân trong xã nhanh chóng làm mới 9km đường giao thông liên thôn, 16km đường giao thông nội đồng, bê tông hóa 100% đường dong ngõ xóm, kiên cố hóa 3,5km kênh mương, đặt hàng trăm ống cống qua mương… chỉ trong thời gian gần 2 năm. Tại huyện Giao Thủy, trong chương trình làm đường giao thông tại các xã, thị trấn bà con nông dân đều đồng tình ủng hộ, chủ động đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công để sửa chữa, nâng cấp đường giao thông. Tiêu biểu là xã Giao Phong, bên cạnh nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, người dân trong xã còn chủ động hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để nâng cấp, cải tạo 5,2km đường liên xã, gần 10km đường trục xã và gần 20km đường thôn xóm, trong đó các trục đường thôn xóm của xã đều có bề rộng 2,5-3m và đã cơ bản được trải nhựa, đổ bê tông hoặc trải đá cấp phối. Tại huyện Mỹ Lộc, các công trình đầu tiên của 4 xã tham gia xây dựng NTM đều có sự đóng góp đáng kể của nhân dân. Trong đó, ở xã Mỹ Tân, nhiều hộ tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ở xã Mỹ Hưng, nhân dân trong xã đều đồng tình đóng góp làm đường giao thông và nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng. Thống kê sơ bộ, tổng số kinh phí triển khai xây dựng NTM tại Hải Đường và 10 xã điểm của tỉnh đạt khoảng 245 tỷ đồng...
Nông dân xã Mỹ Tân tích cực mở rộng diện tích trồng hoa, loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. |
Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM còn được thể hiện ở chỗ, nhiệm vụ xây dựng NTM là quá trình phấn đấu liên tục, lâu dài. Vì thế để duy trì và giữ vững các tiêu chí về NTM, người dân đã không chỉ tự nguyện đóng góp sức người, sức của mà còn tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Tại xã Hải Đường, bà con nông dân đã nhanh chóng thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ thói quen sản xuất chỉ trông chờ vào hạt lúa, khi có phong trào NTM, người dân Hải Đường đã thay đổi cách tư duy làm giàu. Cả làng, cả xã hăng hái thi đua làm kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Khắp nơi nở rộ những xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cơ sở may, thêu ren, đan bẹ chuối... Tại xã còn có Cty CP Đầu tư Hải Đường chuyên về hàng may mặc đã đem lại việc làm cho gần 400 lao động. Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM đã giúp xã Hải Đường chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ từ 20% (năm 2008) lên 48,5% (năm 2011); cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 80% xuống còn 55%; thu nhập bình quân đầu người từ 7,5 triệu đồng tăng lên 15,83 triệu đồng và nhiều giá trị văn hóa, xã hội khác được nâng cao. Tại xã Hải Xuân bà con nông dân đã chủ động đăng ký tham gia chương trình xây dựng vùng sản xuất đạt giá trị kinh tế cao. Theo đó, các hộ nông dân ở các xứ đồng Hải Hoà, Lộc Hà, Hải Cường… tham gia trồng lúa tại 161ha quy hoạch tập trung. Các hộ nông dân ở các xóm Đức Thuận, Xuân Phương Đông, xóm Tây tham gia sản xuất lúa giống và cấy các giống đặc sản tại 22ha quy hoạch tập trung. Hiện nay, bà con xã viên còn tham gia chuyển đổi khoảng 35ha đất 2 vụ lúa năng suất thấp sang trồng rau màu và tích cực mở rộng diện tích cây vụ đông mỗi năm trên 10ha trên đất 2 vụ lúa, với các loại cây: bí xanh, cải dầu, rau màu. Để tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, ở xã Hải Xuân trên 100 nông dân đã tích cực chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây cảnh và tham gia quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh với diện tích trên 12ha ở xóm Bái, xóm Trung…, đạt giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn phát triển kinh tế trang trại, gia trại tạo thành vùng chăn nuôi tập trung và vùng nuôi thuỷ sản với 30 trang trại, gia trại tổng hợp trên toàn xã. Tại xã Trực Chính, các hộ đã tích cực tham gia đấu thầu phần diện tích đất bãi gồm 20ha chăn nuôi, 16ha nuôi thủy sản để xây dựng các trang trại tổng hợp gồm nuôi lợn, cá, kết hợp làm vườn, góp phần tạo ra lượng hàng hóa lớn thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm…
Để nông dân tiếp tục phát huy vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng NTM các ban, ngành chức năng trên toàn tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình như: Thực hiện đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời xây dựng các đề án phát triển kinh tế cho từng ngành nghề. Hiện tại, các địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để quy hoạch lại vùng sản xuất liền vùng, liền thửa, tạo thuận lợi trong canh tác, sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng, xây dựng các CCN tập trung… phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động bằng cách tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Hộ nghèo được học nghề miễn phí và hướng dẫn nơi làm việc. Tỉnh đang có chính sách trong năm 2012, hỗ trợ mỗi xã 2 máy gặt đập, hằng năm, tỉnh dành ra 3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy