Nâng cao chất lượng dân số: Cần các giải pháp đồng bộ

10:12, 23/12/2011

(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về những kết quả đã đạt được trong công tác Dân số - KHHGĐ của tỉnh ta trong những năm qua và những giải pháp nâng cao chất lượng dân số)

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ góp phần nâng cao chất lượng dân số tại huyện Ý Yên. Ảnh: Hồng Hạnh
Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ góp phần nâng cao chất lượng dân số tại huyện Ý Yên. Ảnh: Hồng Hạnh

PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của ngày Dân số Việt Nam?

Đồng chí Trần Trung Kiên: Vào những năm đầu của thập niên 60 trong thế kỷ XX, giữa lúc đất nước còn chia cắt, dân tộc Việt Nam đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam thống nhất đất nước, trong bối cảnh đó ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về công tác Dân số - KHHGĐ. Tính độc đáo của quyết định này là ở chỗ: Trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới đều chưa hề quan tâm đến vấn đề dân số, đến yếu tố dân số trong phát triển thì Việt Nam - một nước vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, đang phải hàn gắn vết thương chiến tranh, và chung sức xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc đồng thời tích cực chi viện cho đồng bào miền Nam, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước lại đặt ra vấn đề điều chỉnh việc sinh đẻ hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Quyết định 216/CP là văn bản mang tính nhân văn sâu sắc, nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là: "Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp".

PV: Xin đồng chí đánh giá một số kết quả nổi bật trong công tác Dân số  - KHHGĐ của tỉnh ta những năm qua?

Đồng chí Trần Trung Kiên: Từ văn bản đầu tiên với Quyết định 216/CP đến các văn bản mang tính toàn diện hơn sau này đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước có mức sinh rất cao với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,39 con (1960) đã giảm xuống còn 2 con (2010). Tỷ lệ gia tăng dân số từ 3,93% (1960) giảm xuống 1,05% (2010). Năm 2005, Việt Nam đạt mức sinh thay thế góp phần làm thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi, bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng". Ở tỉnh ta, với sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh ta về công tác Dân số - KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Tỉnh ta cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình Dân số - KHHGĐ: số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 1960 là 6,1 con giảm xuống còn 2,1 con vào năm 2010. Đặc biệt từ năm 2001 đến 2010 thực hiện Chiến lược Dân số và Phát triển tỉnh Nam Định thì xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì; năm 2001 tỷ suất sinh là 18,06%o; tổng tỷ suất sinh là 2,54 con; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi 25,16%o; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 28%. Năm 2010, tỷ suất sinh là 15,69%o; tổng tỷ suất sinh là 2,10 con; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi còn 10%o; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 15,9%. Kết quả giảm sinh đã làm thay đổi rõ rệt cơ cấu dân số theo tuổi. Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", tạo lợi thế về nguồn nhân lực - một điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đắc lực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức: Tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh (năm 2011 là 120 cháu trai/100 cháu gái); kết quả giảm sinh chưa thật sự vững chắc; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao; tuổi thọ tuy tăng nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp; Các tố chất về tầm vóc và thể lực hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ vẫn còn cao…

PV: Xin đồng chí cho biết, để nâng cao chất lượng dân số, tỉnh ta cần có những giải pháp gì?

Đồng chí Trần Trung Kiên: Pháp lệnh Dân số năm 2003 khẳng định “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu hàng đầu trong Kế hoạch hành động về dân số và SKSS hiện nay. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2011-2020.
- Tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai các hoạt động duy trì xu thế giảm sinh, ổn định mức sinh thay thế đồng thời triển khai:

1. Dự phòng 3 cấp để nâng cao chất lượng dân số:

-  Tư vấn và khám sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên chuẩn bị kết hôn;
- Sàng lọc cho đối tượng đang mang thai để phát hiện sớm các tật bệnh bẩm sinh ở thai nhi;
- Sàng lọc để phát hiện sớm các tật bệnh bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

2. Xây dựng đề án chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Tống Lam Hồng
(Thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com