Làm gì để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ?

10:12, 23/12/2011

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở tỉnh ta diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh và rất khó dự báo. Năm 2009, tỷ số giới tính ở tỉnh ta là 116 cháu trai/100 cháu gái; năm 2010 là 121 cháu trai/100 cháu gái. Nhiều huyện có tỷ số giới tính chênh lệch cao như Nam Trực 123/100, Trực Ninh 128/100, Nghĩa Hưng 137/100, Hải Hậu 139/100 (năm 2010). Năm 2011, sự chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta tuy giảm song vẫn tiếp tục diễn ra với 120 cháu trai/100 cháu gái.

Các cháu Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định) biểu diễn múa cờ.  Bài và ảnh: Lam Hồng
Các cháu Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định) biểu diễn múa cờ.

Tỷ số giới tính khi sinh có ý nghĩa quyết định đến tỷ số giới tính chung của dân số và qua đó ảnh hưởng lâu dài đến nhiều vấn đề kinh tế, văn hoá và an sinh xã hội. Tỷ số giới tính chung của dân số được duy trì ở mức cân bằng sẽ đảm bảo quá trình tái sản xuất dân số cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng mất cân bằng giới tính trong độ tuổi hôn nhân, trong nguồn lao động, trong việc thực thi các chính sách, chế độ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Ngược lại, nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả và kịp thời nhằm khắc phục tình trạng MCBGTKS, sẽ gây những tác động xấu đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ luỵ của vấn đề này là tình trạng thiếu phụ nữ, gây áp lực nam giới không lấy được vợ, bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ, tệ nạn xã hội… gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS như: bất bình đẳng giới, chế độ an sinh xã hội còn hạn chế, siêu âm xác định giới tính thai nhi chưa được quản lý tốt, nhận thức của người dân chưa cao, chưa thực hiện tốt pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi… Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn nặng nề trong một bộ phận nhân dân. Với đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, công việc nặng nhọc, đặc biệt là các huyện miền biển như Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đi biển đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ đều đòi hỏi sức lao động của nam giới, càng làm tăng nhu cầu phải có con trai… Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Những năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về nguyên nhân, tác hại của việc MCBGTKS, đặc biệt là nội dung Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới, các điều khoản nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, việc cải thiện chính sách xã hội cho người cao tuổi cũng được tỉnh ta quan tâm. Bởi hiện nay, phần lớn người cao tuổi đang sinh sống ở nông thôn, không có lương hưu hay trợ cấp xã hội; việc phụng dưỡng bố mẹ khi già yếu thường dựa vào con trai nên việc bảo đảm chính sách an sinh cho người cao tuổi sẽ góp phần xoá đi tâm lý bất an nếu không có con trai. Đặc biệt, từ năm 2010, Đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS” đã được triển khai tại các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Ý Yên và Thành phố Nam Định. Trong khuôn khổ đề án, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 5 buổi hội thảo tại 5 huyện, thành phố trên. Qua đó, lãnh đạo Chi cục, các ban, ngành, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố đã nêu rõ nguyên nhân, hậu quả của tình trạng MCBGTKS ở địa phương, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Các huyện, thành phố triển khai đề án cũng có nhiều biện pháp như: nói chuyện chuyên đề, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề MCBGTKS, duy trì hoạt động của các CLB tiền hôn nhân, phụ nữ sinh con một bề; đưa nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản vào các trường THPT, cao đẳng, đại học; tạo điều kiện cho phụ nữ được lao động, học tập, khẳng định và nâng cao vị thế trong xã hội… Các cấp, các ngành hữu quan còn đẩy mạnh quán triệt và kiểm tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi như tư vấn siêu âm, chẩn đoán giới tính thai nhi; xử lý nghiêm đối với các hoạt động sản xuất, phân phối, lưu hành ấn phẩm có nội dung truyền bá, hướng dẫn lựa chọn giới tính khi sinh và sinh con theo ý muốn./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com