Để đối tượng cận nghèo tích cực tham gia bảo hiểm y tế

09:11, 03/11/2011

Tháng 1-2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới, áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401-520 nghìn đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501-650 nghìn đồng/người/tháng. Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác, trong đó có chính sách BHYT.

Nhiều đối tượng cận nghèo chưa có điều kiện tham gia BHYT.
Nhiều đối tượng cận nghèo chưa có điều kiện tham gia BHYT.

Với tiêu chí này số hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh tăng lên nhưng trên thực tế, số đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT không tăng. Đến hết tháng 9-2011, toàn tỉnh mới có 1.924 đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, thu được trên 566,3 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối tượng cận nghèo không “mặn mà” với BHYT trước hết là do ranh giới xác định hộ nghèo và cận nghèo mong manh; trong khi đối tượng thuộc hộ nghèo được cấp BHYT miễn phí thì đối tượng thuộc hộ cận nghèo chỉ được hỗ trợ 50% mức phí. Khi đi KCB, đối tượng thuộc hộ nghèo chỉ phải chi trả 5% chi phí KCB, còn đối tượng hộ cận nghèo phải chi trả 20% chi phí KCB. Trước đây, với mức lương tối thiểu 730 nghìn đồng, đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT đóng 197 nghìn đồng/năm; hiện nay, với mức lương tối thiểu 830 nghìn đồng, đối tượng thuộc hộ cận nghèo phải đóng 219 nghìn đồng/năm. Với mức thu nhập của hộ cận nghèo, mức phí BHYT là khoản tiền không nhỏ. Bên cạnh khó khăn về kinh tế, nhận thức của nhân dân về BHYT còn nhiều hạn chế, hộ cận nghèo thường chỉ tham gia BHYT cho những người đang ốm đau hoặc có nguy cơ phải khám và điều trị bệnh. Một bộ phận nhân dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc sự hỗ trợ của các tổ chức, muốn là đối tượng nghèo để được cấp miễn phí thẻ BHYT. Ngoài ra, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành liên quan, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nhiều đối tượng thuộc hộ cận nghèo chưa thấy rõ quyền lợi, chưa nhận thức đầy đủ về tính nhân văn của chính sách BHYT cũng như trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng.

Do điều kiện kinh tế, đời sống sinh hoạt nên nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo là nhóm đối tượng có nguy cơ ốm đau, phải điều trị bệnh cao, nếu tham gia BHYT sẽ là khoản trợ giúp quan trọng cho nhóm đối tượng này khi phải đi khám và điều trị bệnh. Để đối tượng cận nghèo tích cực tham gia BHYT, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của BHYT đối với người nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT cũng cần được hướng dẫn, tiếp cận với các dịch vụ y tế thích hợp, được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi khi khám chữa bệnh. Các chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT phải thiết thực và khả thi hơn nữa từ phía các cơ quan liên ngành cũng như chính quyền địa phương. Hiện tại, chính sách ưu đãi khi tham gia BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo dù ưu việt song lại khó thực hiện ngay từ “đầu vào” nên người dân chưa được hưởng một số ưu đãi. Trên thực tế, nhiều hộ thoát nghèo không bền vững. Để giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ cần phải quan tâm hơn nữa đến đối tượng cận nghèo. Sau dự án hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Ngân hàng Thế giới, năm 2011, dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ đã được triển khai. Cùng với sự hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ của Nhà nước, người cận nghèo trong vùng dự án khi tham gia BHYT chỉ phải đóng từ 10-20% mức phí. Với sự trợ giúp đắc lực này, số người cận nghèo tham gia BHYT đã tăng đáng kể ở vùng dự án. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai dự án rộng rãi đến các vùng kinh tế trong cả nước, các địa phương cần dành ngân sách hỗ trợ người cận nghèo về mức phí. Các đoàn thể xã hội, tổ chức chính trị tổ chức các hoạt động huy động sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ để thành lập quỹ vì đối tượng cận nghèo, hàng năm trích kinh phí hỗ trợ nhóm đối tượng này tham gia BHYT… Ngoài ra để thuyết phục người dân nói chung, đối tượng cận nghèo nói riêng “tha thiết” với việc tham gia BHYT là chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế phải được cải thiện để tạo niềm tin cho các đối tượng khi tham gia BHYT./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com