Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCN DVCĐ) được thực hiện ở tỉnh ta từ năm 1994 với phương pháp PHCN ngay tại nhà, người thực hiện chính là người khuyết tật (NKT), thân nhân, họ hàng và cán bộ y tế địa phương được huấn luyện, áp dụng những kỹ thuật PHCN thích ứng; đồng thời có thể sản xuất, chế tạo dụng cụ tập luyện tại nhà, trạm y tế. Chương trình còn hỗ trợ, vận động, khuyến khích trẻ em khuyết tật đến trường và hỗ trợ tạo việc làm cho NKT tại địa phương.
Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Phục hồi chức năng - vật lý trị liệu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ chương trình PHCN trong toàn tỉnh gồm 18 bác sỹ, 10 kỹ thuật viên có bằng cử nhân, 33 kỹ thuật viên đào tạo chuyển đổi, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, YHCT, Điều dưỡng - PHCN, Tâm thần, Đa khoa Thành phố, 7/11 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện có khoa PHCN là các huyện: Mỹ Lộc, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Bên cạnh đó, 120/229 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia có phân công người phụ trách. Chương trình PHCN được Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp đến các Bệnh viện Điều dưỡng PHCN, Khoa PHCN (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Bệnh viện Tình thương… tiếp nhận tổ chức triển khai. Nội dung hoạt động và mục tiêu chủ yếu của chương trình là duy trì các huyện thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; củng cố hệ thống BCĐ các chương trình y tế từ tỉnh đến xã, phường; phát huy công tác xã hội hoá trong công tác PHCN DVCĐ. Nguồn kinh phí hoạt động trợ giúp người tàn tật trên địa bàn tỉnh, từ năm 2004 đến nay chủ yếu dựa vào kinh phí sự nghiệp của ngành và địa phương để hoạt động. Đến nay, khoảng 40% xã, phường trong tỉnh đã gây được quỹ hỗ trợ người tàn tật và được sử dụng đúng mục đích, đúng địa chỉ, có hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ người tàn tật đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh còn được tài trợ không thường xuyên của các tổ chức phi chính phủ, của Hội Cựu chiến binh Mỹ, Trung tâm PHCN (BV Bạch Mai), Bộ Y tế... Theo Sở Y tế, toàn tỉnh có khoảng 120.000 người tàn tật, trong đó nhóm khó khăn về vận động chiếm 26,017%, nhóm khó khăn về nhìn chiếm 37,813%, nhóm khó khăn về nghe nói 17,342% và các nhóm khó khăn về học, có hành vi xa lạ, động kinh 2,36%, mất cảm giác... Số người tàn tật có nhu cầu phục hồi chiếm 24,5% trong tổng số người tàn tật được điều tra. Kết quả thực tế cho thấy Chương trình PHCN DVCĐ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh đã giúp cho NKT hòa nhập xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình, tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ em được đến trường... NKT, đặc biệt là trẻ em được cải thiện thể chất, nuôi dưỡng tốt nên giảm được tỷ lệ suy dinh dưỡng, phòng tránh được một số bệnh thường gặp; nhiều trường hợp NKT tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ khuyết tật đạt kết quả học tập tốt…
Đạt được kết quả trên, là do tỉnh ta có hệ thống BCĐ các chương trình y tế từ tỉnh xuống đến xã, phường, có mạng lưới y tế học đường phủ kín toàn tỉnh. Các chương trình y tế được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát nên công tác xã hội hoá chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác PHCN DVCĐ còn gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ PHCN tại cộng đồng sau khi được đào tạo lại bỏ hoạt động, chủ yếu là cán bộ các đoàn thể ở một số địa phương; BCĐ các cấp chưa chủ động được nguồn tài chính để duy trì chương trình, chưa huy động được sự tham gia đóng góp của địa phương và của cộng đồng. Hiệu quả chương trình chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của mọi người trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng, một phần do những NKT chưa có đủ tự tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, trẻ em khuyết tật đến trường gặp nhiều khó khăn trong học tập... Hầu hết NKT có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người thân của họ phải lo bươn chải kiếm sống nên không đủ thời gian để giúp NKT tập luyện. Ở nhiều nhóm khuyết tật, để NKT PHCN tốt, hoà nhập cộng đồng còn cần đến sự trợ giúp của các dụng cụ hỗ trợ và phẫu thuật như nhóm khó khăn về nghe (người câm, điếc, nghễng ngãng do sứt môi, hở hàm ếch, khiếm khuyết vành tai). Để đạt hiệu quả, nhóm người khuyết tật này cần được sự trợ giúp về phẫu thuật, dụng cụ trợ thính… nhưng chương trình vẫn hạn chế về kinh phí, chỉ hướng dẫn cách chăm sóc, sinh hoạt hàng ngày. Hệ thống PHCN tuy đã triển khai đến cộng đồng nhưng chưa đồng bộ ở nhiều địa phương; cán bộ chương trình hầu hết phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về PHCN, kiến thức hoạt động về cộng đồng, kinh phí bồi dưỡng cộng tác viên còn thấp nên hạn chế hiệu quả của chương trình.
Để công tác PHCN DVCĐ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, cần tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, xây dựng các phòng luyện tập PHCN điều trị vật lý trị liệu ở tất cả các bệnh viện tuyến huyện. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Bệnh viện Điều dưỡng PHCN tỉnh và khoa PHCN vật lý trị liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh - PHCN của nhân dân. Mở rộng chương trình PHCN DVCĐ đến các huyện và các xã, phường trong tỉnh bằng các nguồn kinh phí địa phương, Trung ương và quốc tế. Phấn đấu nâng số huyện thực hiện chương trình lên 100%, số xã, phường có chương trình lên 80% để nhiều NKT có cơ hội được giúp đỡ luyện tập PHCN. Thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bổ sung cán bộ cho các nơi còn thiếu hoặc cán bộ PHCN đã thuyên chuyển công tác khác. Thành lập các nhóm tự giúp để có nhiều NKT có cơ hội được tái hoà nhập cộng đồng. Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo về chuyên ngành, hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đào tạo củng cố các đơn vị đã triển khai chương trình, được cấp kinh phí triển khai các lớp nâng cao theo kế hoạch và có chế độ cho cán bộ chuyên trách PHCN và cán bộ giám sát chương trình, để chương trình được duy trì và phát huy hiệu quả./.