Đẩy mạnh hợp tác trong đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh

07:11, 16/11/2011

Tiến sỹ Wong Seng Weng, (người ngồi giữa) giám đốc Trung tâm Ung thư (Tập đoàn y tế Singapore) tư vấn cho bệnh nhân.
Tiến sỹ Wong Seng Weng, (người ngồi giữa) giám đốc Trung tâm Ung thư (Tập đoàn y tế Singapore) tư vấn cho bệnh nhân.

Mỗi năm nước ta có khoảng 150 nghìn người mắc bệnh ung thư mới, khoảng 100 nghìn người chết vì bệnh ung thư. Căn bệnh này hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Thiệt hại cả về vật chất và tinh thần do căn bệnh này gây nên rất lớn do chi phí điều trị cao, tinh thần người bệnh và thân nhân bị tác động nghiêm trọng, gây thêm nhiều hệ lụy xã hội khác. Tỷ lệ mắc bệnh mới trong những năm gần đây ở cả nam và nữ gia tăng nhanh. Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, những loại ung thư mới tăng nhiều, đứng đầu là ung thư phổi, phổ biến là ở nam giới; sau đó đến dạ dày (cả nam và nữ), gan, trực tràng, đại tràng, tiền liệt tuyến; ở phụ nữ phổ biến là ung thư vú, cổ tử cung. Khoảng 30% ca mắc ung thư đến bệnh viện kiểm tra phát hiện và điều trị kịp thời đã chữa khỏi và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên khoảng 60% bệnh nhân ung thư đến bệnh viện khi đã muộn nên tỷ lệ điều trị khỏi rất thấp, chỉ khoảng 30% trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 50%. Một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người chết vì bệnh ung thư là do người dân thiếu thông tin, chưa hiểu đúng về bệnh và việc chữa trị. Theo khảo sát của Chương trình Quốc gia phòng chống ung thư có tới 67,5% số người được hỏi cho rằng ung thư không chữa được, 35,8% cho rằng bệnh ung thư mà mổ sẽ càng nhanh chết. Do thiếu kiến thức, sợ mức chi phí điều trị quá cao nên nhiều người đã giấu bệnh hoặc chữa bằng các phương pháp phản khoa học. Bệnh ung thư thường có thời gian ủ bệnh khá dài có khi tới 10 năm hoặc hơn nữa, ban đầu triệu chứng không rõ ràng, khó phát hiện, khi biểu hiện đã rõ rệt thường là khi bệnh đã tiến triển trầm trọng, việc điều trị vừa khó khăn, hiệu quả lại không cao.

5 năm trước, mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K Trung ương tiếp nhận 600-700 bệnh nhân, gần đây con số tăng vọt lên tới 1.000 người/ngày. Hai cơ sở của bệnh viện luôn có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Với cơ sở vật chất hiện có Bệnh viện K hiện đang là cơ sở y tế quá tải nhất cả nước, có lúc tới 285% so với năng lực. Trong khi bệnh nhân ung thư là nhóm bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, mệt mỏi, mất sức, nhất là giai đoạn điều trị hóa trị, xạ trị nhưng luôn phải ghép đôi, ba người một giường, thậm chí tại trung tâm xạ trị và điều trị ung bướu (BV Bạch Mai) có lúc phải ghép tới 8 người/giường. PGS.TS, TTƯT Hoàng Công Đắc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện E Trung ương, điều trị bệnh ung thư cốt lõi là phải phát hiện sớm. Muốn vậy khâu tầm soát, phát hiện bệnh là rất quan trọng, và phải thông qua các bước xét nghiệm sinh hóa, các phương pháp chụp cắt lớp. Theo giới thiệu của TS. Wong Seng Weng, giám đốc Trung tâm Ung thư của Tập đoàn y tế Singapore về các công nghệ mới như PET CT… cũng đều phải đòi hỏi có cơ sở vật chất, bệnh viện với trang thiết bị hiện đại. Nhưng yêu cầu này đòi hỏi nguồn lực kinh tế lớn mà đầu tư công khó có thể đáp ứng kịp thời. Do vậy việc hợp tác đầu tư đa thành phần trong lĩnh vực y tế là rất cấp bách hiện nay nhằm nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, khắc phục khó khăn do nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp. Xuất phát từ thực tế tham gia điều trị, tư vấn cho bệnh nhân ung thư tại Phòng khám 108 - Thành phố Nam Định, đi thực tế tại Trung tâm Ung thư của Tập đoàn y tế Singapore, Cty CP Y tế Việt Nam (Phòng khám là thành viên) đã quyết định hợp tác kêu gọi đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Vì Dân tại Thành phố Nam Định, trong đó mũi nhọn là điều trị bệnh ung thư. Theo ông Đỗ Như Hùng, Phó giám đốc Cty CP Y tế Việt Nam, dự án Bệnh viện Vì Dân có quy mô 200 giường bệnh, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 50 giường bệnh, giai đoạn hai 150 giường bệnh. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 155 tỷ đồng, nguồn vốn đảm bảo cho dự án xây dựng bệnh viện là của Cty TNHH Y tế Việt Nam và Cty CP Lắp máy LILAMA. Công ty TNHH Y tế Việt Nam có nhiều thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực y tế như: Trung tâm khám chữa bệnh đa khoa Hà Nội; Trung tâm khám chữa bệnh đa khoa Hà Nội - Lạng Sơn; Phòng khám đa khoa số 2 Hoàng Hoa Thám (Nam Định); Tập đoàn quốc tế 108 tại thủ đô PhnomPênh (Campuchia) có thành viên là Trung tâm kỹ thuật cao 108 Hà Nội - PhnomPênh, đây là nơi tập trung nguồn vốn và nhân lực của Cty tại thủ đô PhnomPênh với số vốn pháp định là 18 triệu USD, sẽ là nguồn bổ sung cho dự án xây dựng Bệnh viện Vì Dân tại Thành phố Nam Định. Cty CP Lắp máy LILAMA có vốn pháp định là 32 tỷ đồng với tổng tài sản là 166 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty còn hợp tác với 4 đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế sẽ đặt máy vào bệnh viện với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng. Tất cả các trang thiết bị y tế của dự án được nhập từ các nước Nhật, Đức, Mỹ hiện đại và tiên tiến, bệnh viện sẽ hướng đến ngang tầm khu vực Đông Nam Á với mũi nhọn tập trung khám chữa bệnh ung thư. Về nhân lực, khi dự án được phê duyệt, bệnh viện hoàn thành, ngoài nguồn nhân lực trong nước, hàng tuần Tập đoàn Y tế Singapore sẽ cử chuyên gia sang tư vấn, khám, và điều trị trực tiếp, qua đó chuyển giao kỹ thuật và huấn luyện, đào tạo nhân lực cho bệnh viện.

Nếu dự án Bệnh viện Vì Dân được phê duyệt và triển khai theo kế hoạch sẽ là bước đi thiết thực, phù hợp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực y tế và trên hết nhiều người dân sẽ có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế hiện đại để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe./.

Bài và ảnh: Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com