Các lao động đã qua đào tạo nghề cơ khí hàn, cắt gọt kim loại có việc làm ổn định tại Cty Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Những năm gần đây, mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng nghề may và cơ khí truyền thống của huyện Xuân Trường vẫn phát triển mạnh. Mỗi năm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện vẫn tạo thêm khoảng trên 3.000 việc làm mới cho lao động địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN-DV, xây dựng thành công NTM thì công tác đào tạo dạy nghề cho người lao động là một nhiệm vụ cấp thiết của huyện. Đến nay trên địa bàn huyện có 2 cơ sở dạy nghề là Trung tâm Dạy nghề Xuân Trường, với quy mô đào tạo 1.200-1.500 lao động trình độ sơ cấp mỗi năm, đồng thời liên kết đào tạo lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng… Trung tâm Dạy nghề Minh Vuông là cơ sở ngoài công lập với quy mô đào tạo nghề sơ cấp 400-500 lao động/năm. Ngoài ra ở các làng nghề truyền thống, vẫn có các nhóm, cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu học tại chỗ như các nghề thêu ren, đan móc sợi… Tại các doanh nghiệp làng nghề, hoạt động đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề cho con em địa phương vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc trang bị nghề cho lao động có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện đi học nghề. Theo anh Đinh Thanh Tuyền, Giám đốc Cty TNHH Đông Nam - Thanh Tuyền (CCN xã Xuân Tiến), với cách truyền nghề này, cộng với văn hóa làng nghề “ngấm" vào từ nhỏ nên về một số kỹ thuật nghề các lao động ở làng nghề rất sắc sảo. Những lao động này nếu được đào tạo nghề bài bản với vốn kiến thức lý thuyết nghề và kỹ năng truyền thống sẽ có thể phát huy hiệu quả tích cực trong việc nghiên cứu, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Năm 2011, kế hoạch đào tạo nghề GQVL của huyện là 3.000 lao động, trong đó đào tạo theo Đề án 1956 là 825 lao động. Các xã xây dựng NTM giai đoạn 1 mỗi xã tổ chức 2 lớp; riêng xã Xuân Kiên là xã điểm của tỉnh tổ chức 3 lớp các nghề hàn, may công nghiệp. Kết quả sau đào tạo, lớp hàn gắn đào tạo theo yêu cầu của người lao động và doanh nghiệp nên 100% học viên sau đào tạo làm việc ngay tại doanh nghiệp; nghề may chỉ có 2 người làm việc tại nhà, 2 người chuyển làm việc khác, còn lại đều làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Cũng trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có hai đơn vị được Sở LĐ-TB và XH cho phép tuyển sinh trên địa bàn huyện nhưng do ngành nghề không phù hợp với nhu cầu của lao động địa phương nên không tuyển sinh được. Vấn đề đặt ra là huyện cần nắm chắc nhu cầu việc làm cũng như phát triển thị trường việc làm để có thể đào tạo đúng, tránh bỏ phí cơ hội dạy nghề cho người dân.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, tạo đà cho các năm tiếp theo, đặc biệt là tập trung xây dựng thành công NTM trên địa bàn, công tác đào tạo nghề của huyện phải bảo đảm đến năm 2015 đạt 60% lao động qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề 44% trở lên. Như vậy, mỗi năm huyện phải có gần 5.000 lao động được đào tạo qua các kênh, các hình thức. Nhóm ngành nghề đa dạng cả CN-TTCN, dịch vụ thương mại, nông nghiệp - thủy sản… Trong đó huyện cần quan tâm các ngành nghề đang có nhu cầu cao về lao động như may công nghiệp, giày da, cơ khí hàn, cắt, gọt kim loại phục vụ ngành chế tạo máy cho các làng nghề và CCN Xuân Tiến, Xuân Kiên, Thị trấn Xuân Trường… Đối với những ngành nghề này, cần phát huy hình thức kết hợp doanh nghiệp, nhà trường đào tạo nghề bảo đảm lao động chắc chắn có việc làm sau đào tạo, đối tượng ngành nghề và chất lượng lao động theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện kích cầu học nghề cho người dân địa phương. Qua khảo sát nhu cầu học nghề ngắn hạn năm 2012 của huyện, 1.650 người có nhu cầu học các nghề: may công nghiệp, may giày da xuất khẩu, hàn điện, điện dân dụng, thêu ren, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, trồng uốn, tỉa cây cảnh, mộc dân dụng, móc sợi; các đối tượng lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác; là lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo; lao động nữ. Dự kiến cơ sở tham gia đào tạo nghề là 2 đơn vị trên địa bàn. Đến năm 2015, để đáp ứng nhu cầu học nghề và định hướng công tác đào tạo nghề của huyện, mạng lưới đào tạo nghề cần được tăng cường cả về số lượng và năng lực đào tạo./.
Bài và ảnh: Vân Anh