Vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đang là vấn đề nóng hổi được mọi người dân quan tâm. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII này, nhiều đại biểu đã đưa ra vấn đề quyền, cũng là nhiệm vụ của Quốc hội về giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Như đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói thẳng: "QH không giám sát để đưa ra những quyết sách để giải quyết thì đúng là QH sẽ có lỗi với nhân dân”.
Vấn đề giám sát giao thông lâu nay thực ra từ Quốc hội cho đến các cơ quan, cá nhân được Nhà nước trao quyền và mọi người dân đều vẫn làm. Thế nhưng vấn đề làm chưa đến nơi, đến chốn, chưa triệt để. Ví như, cảnh sát giao thông - người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cũng còn làm ngơ, bỏ qua lỗi, không kiểm soát hết lỗi, không kiểm soát được người vi phạm. Làm mà không triệt để thì cũng như không làm. Chuyện như một hệ thống giám sát giao thông ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm thử nghiệm rồi đắp chiếu để đấy cho thấy một yếu kém về cơ chế, tổ chức, quản lý, thực hiện...
Ra ngoài đường, đi trên đường hiện nay, bất kỳ người dân bình thường nào, dù yếu kém mấy về luật pháp cũng nhìn thấy, trực tiếp, nhan nhản các hành vi vi phạm giao thông. Luật pháp thì đã quy định rất rõ những chế tài. Nếu xử lý hết những vi phạm kia, sẽ có rất nhiều tiền bổ sung cho ngân sách, tiền để phục vụ cho việc giám sát, phát hiện xử lý, kể cả sử dụng phương tiện kỹ thuật công nghệ cao. Cứ nói như việc áp dụng công nghệ hiện đại: một người đi xe máy bị ghi hình, phát hiện nếu một tháng phạm 5 lỗi sẽ bị tịch thu bằng lái, thậm chí cả xe máy thì ai dám vi phạm đây?
Vậy nhưng rồi người ta lại hỏi nhau: Ai giám sát? Ai làm? Ai...?
Theo: daidoanket.vn