Xây dựng văn hóa nghề trong lao động trẻ

07:11, 12/11/2011

Văn hóa nghề của người lao động (NLĐ) nói chung, lực lượng lao động trẻ nói riêng luôn là vấn đề trăn trở đối với các nhà tuyển dụng, nhà quản lý công tác lao động. Nhiều nhà doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng tắc trách, thiếu ý thức của người lao động như: đi làm không đúng giờ, không chú trọng các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc, thiếu trách nhiệm với công việc, sẵn sàng bỏ việc, cẩu thả, thiếu trung thực, thiếu tính cộng đồng…, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Giờ học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh: Việt Thắng
Giờ học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh.
Ảnh: Việt Thắng

Đồng chí Đỗ Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Nhiều người học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động, thay vì cố gắng học, một số người lại tìm cách gian dối để vượt qua kỳ kiểm tra. Hậu quả là đã có người gặp rủi ro do bất đồng ngôn ngữ hay sự khác biệt văn hóa dẫn đến “tiền mất tật mang”. Tình trạng các doanh nghiệp dệt may ở các KCN luôn thiếu nguồn lao động, trong khi nhiều lao động không có việc làm, NLĐ tuỳ tiện “nhảy việc” dẫn đến các doanh nghiệp bị xáo trộn lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất... Nguyên nhân của tình trạng thiếu kiến thức văn hóa nghề trong lực lượng lao động trước hết do công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa nghề chưa được chú trọng và chưa có giải pháp hữu hiệu. Hiện các trường mới chỉ quan tâm đến kỹ năng, trình độ nghề nghiệp, đào tạo kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho NLĐ mà chưa quan tâm đến việc giáo dục văn hóa nghề cho NLĐ. Hầu hết các trường dạy nghề đều xem văn hóa nghề là một nội dung ngoại khóa, lồng ghép vào các buổi học chính trị, an toàn lao động đầu khóa học. Chương trình khung của ngành LĐ-TB và XH về đào tạo nghề hiện nay không dành nhiều thời gian bồi dưỡng những vấn đề về tác phong làm việc, ý thức nghề nghiệp, lòng yêu nghề… nên các trường đào tạo nghề gặp khó khăn trong việc sắp xếp chương trình, thời gian bổ trợ kiến thức trong lĩnh vực văn hoá nghề cho học viên. Xây dựng văn hoá nghề phải bắt đầu từ việc giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động mới, điều này không chỉ được dạy từ các trường đào tạo nghề nghiệp, mà ngay từ trường phổ thông. Đa số học sinh chỉ lựa chọn học nghề khi không thể thành công trên con đường khoa cử cao hơn. Văn hóa nghề còn biểu hiện ở quan niệm về sự tiếp cận các cơ hội học nghề, lựa chọn nghề và vun đắp giá trị nghề nghiệp cho tương lai. Sự định hướng đúng nghề nghiệp và học nghề phù hợp với tư chất, sở thích, năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của thị trường giúp NLĐ thêm yêu nghề và gắn bó với nghề. Để khắc phục hạn chế về văn hóa nghề trong lao động trẻ thì công tác phân luồng học sinh phổ thông cần được quan tâm, đồng thời việc hướng nghiệp cho học sinh để các em có định hướng đúng. Ngoài ra, ở hệ trung cấp nghề hiện nay, các học sinh vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề, đây là lứa tuổi thuận lợi cho giáo dục, trang bị văn hóa nghề cần được các trường quan tâm. Văn hóa nghề còn được thể hiện ở thái độ, nhận thức về nghề, hành vi ứng xử của đồng nghiệp trong quá trình lao động… Các doanh nghiệp không chỉ coi trọng trình độ chuyên môn mà còn chú ý tới ý thức làm việc, phong cách ứng xử trong công việc của người lao động. Vì vậy, nếu không nâng cao văn hóa ứng xử, không có thái độ làm việc nghiêm túc thì không được chủ sử dụng lao động đánh giá cao và khó có cơ hội thăng tiến.

Trang bị văn hóa nghề cho NLĐ nói chung, lao động trẻ nói riêng là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế việc nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên cần được quan tâm. Ngay từ trong các trường học phổ thông, không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức văn hoá mà còn cả tâm thế cho những người lao động tương lai tại các khu công nghiệp, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần với một môi trường sống công nghiệp, nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp. Cần có các chính sách, biện pháp của Nhà nước để vừa khuyến khích, động viên, vừa ràng buộc trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà đầu tư và sử dụng lao động trong việc tích cực tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, tạo điều kiện để chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, gia đình, đặc biệt là ngành giáo dục và LĐ, TB và XH tham gia tích cực trong việc đào tạo kiến thức, chuyên môn và văn hóa nghề cho thanh thiếu niên./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com