Vui, buồn nghề giáo

09:11, 19/11/2011

Trong xã hội, nghề dạy học và người thầy có một vị trí đặc biệt. Vì hiếu học, coi trọng tri thức, coi trọng đạo lý làm người nên truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã đi sâu vào tâm thức của người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và thông cảm với những khó khăn vất vả của nghề “trồng người”.

Chúng em chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Chúng em chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục đã được cả xã hội quan tâm, đời sống của giáo viên được cải thiện, thầy cô giáo yên tâm dành nhiều thời gian và công sức cho công tác chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với các cuộc vận động, các phong trào lớn do ngành GD và ĐT phát động, mỗi nhà giáo đã có ý thức xây dựng các mối quan hệ thân thiện trong môi trường giáo dục như: thân thiện giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa thầy với phụ huynh và cộng đồng xã hội. Dạy thật, đánh giá chất lượng giáo dục chính xác, từ đó giúp học sinh học thật, thi thật và có kết quả thật. Đó chính là lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã dìu dắt học sinh chiếm lĩnh đỉnh cao trong các kỳ thi quốc tế, đem vinh quang về cho Tổ quốc… Biết bao nhà giáo - những “kỹ sư tâm hồn” đã và đang thầm lặng góp từng viên gạch xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước, được nhà nước và nhân dân tôn vinh.

Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều yếu tố mới đang tác động đến đạo thầy - trò. Nhiều vụ việc học sinh bỏ học, tự tử, đánh nhau… lại được đặt câu hỏi tìm nguyên nhân từ phía nhà trường, giáo viên. Trước những lỗi lầm thái quá của một số học sinh, giáo viên luôn phải đối mặt với sự hoài nghi của dư luận, tạo áp lực không nhỏ đối với người thầy khi đạo đức học sinh ngày càng đi xuống. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay đang bị lép vế trước trí dục. Trong chương trình học nặng nề, một tiết học giáo dục công dân duy nhất trong tuần cũng thường bị cắt xén. Bên cạnh đó, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, "chạy” trường, “chạy” lớp, xin điểm, chiếu cố đã đến hồi báo động. Nhiều giáo viên đã không ngại ngần bày tỏ khi chương trình dạy và học chính khoá nặng nề, nếu không kịp thời củng cố thì những kiến thức thầy cô giảng trên lớp học sinh sẽ khó nắm bắt hết. Bên cạnh đó, có không ít phụ huynh muốn “giao phó” việc giáo dục, cai quản con cái cho nhà trường nên tha thiết đề nghị dạy thêm. Vẫn biết trong đội ngũ nhà giáo, chưa phải “mười phân vẹn mười”, nhưng tin rằng đa số các nhà giáo sẽ tiếp tục vượt lên những khó khăn vất vả, tâm huyết với nghề, sống mẫu mực, nhân cách trong sáng, biết sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của nghề nghiệp và trong cuộc sống để tiếp tục phấn đấu vươn lên, đưa sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com