Vẫn là “bệnh thành tích”!

10:11, 04/11/2011

Tính đến tháng 7-2011, ngành GD và ĐT cả nước đã trải qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây có thể nói là một cuộc vận động lớn nhằm xóa bỏ một căn bệnh “thâm căn cố đế” của ngành giáo dục và gần như đã trở thành vấn nạn nhằm hướng tới một nền giáo dục thực chất hơn. Vậy mà đâu đó vẫn còn những thầy cô nặng về thành tích, coi trọng thành tích hơn chất lượng thực chất. Một đơn cử nhỏ tại trường tiểu học P - một ngôi trường “có tiếng” ở Thành phố Nam Định vẫn còn tình trạng vào mỗi kỳ hội giảng đầu năm học, những học sinh học yếu bao giờ cũng bị gửi sang lớp khác vì sợ để lại lớp sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giờ giảng. Đây là một biểu hiện khá rõ của “bệnh thành tích” và diễn ra ở rất nhiều lớp học, cấp học hiện nay. Một lớp học, bao giờ cũng có những học sinh học khá hơn và có học sinh học yếu hơn (vì chúng ta đã có chủ trương bỏ trường chuyên lớp chọn), nhất là học sinh tiểu học, các em còn hết sức non nớt, hồn nhiên, vì vậy cái giỏi của người thầy là phải có phương pháp động viên các em, vực các em dậy cho bằng các bạn khác chứ không nên có sự phân biệt với các em như vậy!

Mới đây, một cô giáo khối lớp 3 của trường còn ra “lệnh”, bạn nào đến muộn khi nhà trường đã xếp hàng thì quay về, nghỉ luôn buổi học hôm đó và bảo bố mẹ gọi điện cho cô! Không hiểu người với tư cách “nhà giáo” đó nghĩ gì khi quyết định như vậy, phải chăng đây vẫn là “bệnh thành tích” bởi khi lớp có học sinh đi muộn, đương nhiên sẽ bị trừ điểm thi đua và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thành tích của cô giáo. Nhưng với các em, mất một buổi học là các em mất đi rất nhiều kiến thức cơ bản, nhất là với những học sinh yếu. Không những thế các em nghỉ một buổi học sẽ gây xáo trộn cho sinh hoạt của gia đình, các em sẽ ở nhà với ai và có chuyện gì xảy ra thì cô giáo, nhà trường có chịu trách nhiệm hay không? Với các cô, một lớp học gần 50 học sinh (mà theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp cấp tiểu học không quá 35 học sinh), bớt đi một em sẽ chẳng ảnh hưởng gì, nhưng với các em đó là sự thiệt thòi lớn.

Vẫn còn vô số những biểu hiện khác của bệnh thành tích len lỏi trong ngành giáo dục như chỉ chú trọng bồi dưỡng những em học khá để đi thi học sinh giỏi, lấy thành tích về cho trường, cho lớp, còn những em khác hầu như bị bỏ rơi, kiến thức cơ bản sẽ bị rỗng. Hay chỉ những khi có đoàn thanh tra, kiểm tra, các cô mới nhắc nhở các em chuẩn bị đủ đồ dùng học tập, sách vở, còn bình thường chẳng bao giờ nhắc nhở đến. Chất lượng giáo dục kém nhưng cuối năm vẫn có trên 90% học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi. Thế mới có chuyện một học sinh “5 giỏi” của một trường tiểu học (5 năm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi) mà lên lớp 6, điểm khảo sát đầu năm chỉ 2 với 3, một phép nhân chia đơn giản của lớp 4 cũng chưa thạo! Thế mới thấy bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn còn nặng đến mức nào!

Thanh Huyền



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com