Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) giành nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong chiến lược phát triển đến năm 2015, nhà trường từng bước xây dựng và phát triển mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, đội ngũ nhà giáo, phương pháp dạy - học, chất lượng giáo dục…
Giờ học thực hành bộ môn Tin học tại Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu). |
60 năm - Dấu ấn một mái trường
Trường THCS Hải Phương, tiền thân là trường cấp 2 Quốc lập Hải Hậu được thành lập từ năm 1951. Những năm đầu thành lập, nhà trường đã thu hút học sinh trong huyện và học sinh các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng đến học. Trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ kháng chiến, thầy và trò nhà trường vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tham gia công tác kháng chiến, vừa vận động toàn dân tham gia giáo dục. Năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng, các lớp học của nhà trường sơ tán học tại nhà dân, học ở đình làng, học trong nhà thờ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy hiệu trưởng Trần Hữu Độ và các thầy giáo Phạm Ngọc Mai, Nguyễn Đức Dương cùng 1.556 học sinh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thầy hiệu trưởng Trần Hữu Độ cùng 136 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh. Sau năm 1975, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, vận động toàn dân tham gia giáo dục, triển khai thành công cải cách giáo dục và thay sách các khối lớp. Không chỉ đạt thành tích cao trong giáo dục văn hoá, nhà trường còn đạt những thành tích cao trong giáo dục thể chất, thẩm mỹ, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ. Trường THCS Hải Phương là đơn vị dẫn đầu huyện về việc đưa lao động hướng nghiệp dạy nghề vào trong trường; trong đó, mô hình V-A-C (vườn, ao, chuồng) của trường đã được triển khai áp dụng trong toàn huyện. Cũng trong giai đoạn này, phong trào làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy của các thầy cô được đánh giá cao trong ngành giáo dục của tỉnh và cả nước. Tiêu biểu như bộ đồ dùng thiết bị dạy toán của thầy Nguyễn Đình Huệ đạt giải A toàn quốc. Bộ thiết bị “Dạy hình học không gian” của thầy hiệu trưởng Lê Ngọc Khoa đạt giải nhất toàn quốc. Bộ thiết bị “Dạy môn Ngữ văn” của cô giáo Vũ Thị Minh Phương đạt giải nhất cấp tỉnh. Sáng kiến kinh nghiệm “Công tác xã hội hoá giáo dục” của thầy Lê Ngọc Khoa được báo cáo toàn quốc. Dưới mái trường Hải Phương, lớp lớp các thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, những nhà khoa học, nhà doanh nghiệp lớn, nhà quản lý giáo dục các cấp... đã và đang cống hiến tài năng, trí tuệ, công sức cho đất nước, cho quê hương. Hiện nay xã Hải Phương có khoảng 800 người (chiếm trên 10% dân số) có trình độ cao đẳng, đại học; trong đó có 1 giáo sư, 7 tiến sĩ. Mỗi năm xã Hải Phương có từ 40 đến 60 học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học... Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Trường THCS Hải Phương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động, 68 Cờ thi đua, 72 Bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt 5 thầy cô giáo của trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”. Năm 2011, nhà trường được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất).
Xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao
Ngay từ năm 1995, Hải Phương đã là xã đầu tiên của huyện Hải Hậu được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Nhà trường luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kỷ cương nền nếp dạy và học, nâng cao chất lượng đại trà, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước nâng cao chất lượng văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Về chất lượng giáo dục, nhiều năm qua tỷ lệ học sinh lên lớp luôn đạt 100%, thi học sinh giỏi cấp huyện luôn xếp thứ nhất, hằng năm có trên 90% học sinh dự thi đạt giải, có nhiều học sinh đóng góp cho trường chất lượng cao của huyện. Hằng năm số học sinh lớp 9 thi vào các trường THPT, học trung cấp, học nghề đạt trên 90%. Năm 1999 trường là đơn vị đầu tiên của huyện được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận “Trường học có nếp sống văn hoá”. Năm 2002, trường là đơn vị đầu tiên của huyện, một trong ba trường đầu tiên của tỉnh được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia” giai đoạn 2001-2010. Nhà trường là đơn vị xuất sắc của huyện trong việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo”, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trường luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn vệ sinh học đường, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nhà trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”; thực hiện “An toàn trường học” vì mái trường bình yên không có ma tuý và tệ nạn xã hội. Đạt được kết quả trên, đội ngũ giáo viên của trường luôn tận tụy, gương mẫu, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và những tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nhà trường là đơn vị đầu tiên của huyện triển khai việc dạy Tin học cho học sinh toàn trường theo ngôn ngữ lập trình Pascal và Tin học văn phòng... Hiện nay 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đạt chuẩn và trên chuẩn, nhiều giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Đội ngũ giáo viên nhà trường năng động, sáng tạo, luôn tìm tòi và đúc rút những kinh nghiệm quý trong quản lý và giảng dạy. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục là nguồn lực đáng kể tham gia vào quá trình giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Đảng ủy, UBND xã đã sớm chỉ đạo xây dựng hội đồng giáo dục cấp cơ sở, bầu ra hội đồng giáo dục từ xã đến xóm, tạo thành màng lưới giáo dục sâu rộng. Kinh nghiệm về xã hội hoá giáo dục của Hải Phương đã được báo cáo tại hội nghị của Viện Khoa học giáo dục tổng kết về công tác xã hội hóa giáo dục toàn quốc năm 1995 và đã được nhân rộng ra các trường trong huyện, trong tỉnh.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2015, nhà trường từng bước xây dựng và phát triển mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá - thể thao phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu giáo dục toàn diện. Tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Coi trọng thực hành, thí nghiệm, giáo dục phải hài hoà giữa truyền thụ kiến thức và rèn kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng dạy - học môn tiếng Anh và môn Tin học trong cơ sở giáo dục. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên phát huy khả năng sáng tạo trong học tập gắn với thực tiễn. Tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, cùng nhân dân trong xã phấn đấu là xã đầu tiên của huyện Hải Hậu đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc