Dư luận đang rất quan tâm khi 5 bệnh viện tuyến Trung ương ở khu vực Hà Nội “tuyên chiến” với tệ nạn thầy thuốc nhận “phong bì” của bệnh nhân. Phải khẳng định, cam kết “nói không với phong bì” đã thể hiện một sự tiến bộ rõ rệt của các bệnh viện đó trong việc ứng xử với bệnh nhân.
Theo quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế được Bộ Y tế ban hành từ năm 2008 thì cán bộ, viên chức y tế phải tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình… không được lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: Biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh. Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh…
Khám điều trị miễn phí cho bệnh nhân vùng sâu, vùng xa. |
Bên cạnh một số thầy thuốc tự giác chấp hành quy định trên, có tấm lòng nhân hậu thì vẫn còn một số y, bác sỹ chưa tận tình giúp đỡ bệnh nhân; việc thương yêu bệnh nhân như người nhà lại càng hiếm. Dư luận bức xúc trước việc một số nhân viên y tế vô cảm, sách nhiễu người bệnh… Khi người bệnh phải nén nỗi đau và nỗi lo bệnh tật để thể hiện sự niềm nở với các thầy thuốc thì không ít “lương y” lại thờ ơ, vô cảm, nặng lời với bệnh nhân rất vô lý theo kiểu “gây khó để ló phong bì”!
“Tệ nạn phong bì” có nguyên nhân từ phía bệnh nhân. Vì lo sợ bác sỹ không tận tình chữa trị nên bệnh nhân luôn tìm cách “bồi dưỡng” cho họ. Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ y tế đã thản nhiên nhận “phong bì” của bệnh nhân…
Để ngăn chặn tình trạng trên quả là việc không quá khó khăn nếu như lãnh đạo các bệnh viện thực sự quyết tâm đưa tiêu chuẩn y đức lên hàng đầu khi đánh giá cán bộ. Trước tiên, cần có biện pháp giảm tải cho bệnh viện bằng cách phối hợp với các bệnh viện khu vực và tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Bổ sung cán bộ để khắc phục tình trạng thiếu y, bác sỹ, đồng thời thường xuyên quan tâm giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ đang làm nhiệm vụ và tuyển chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt vào nghề. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương thầy thuốc tốt và lập đường dây nóng tố giác, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm… Mặt khác, quan tâm hơn đến thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ y tế, tránh những “cám dỗ” của đồng tiền… Về phía người bệnh, cũng phải kiên quyết nói không với việc đưa “phong bì” cho bác sỹ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mỗi khi phải vào bệnh viện, ngành Y tế cần sớm triển khai BHYT toàn dân.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện, cùng sự phối hợp giám sát của công đoàn, các tổ chức quần chúng và người dân thì hy vọng trong một thời gian nữa, chúng ta sẽ thanh toán được tệ nạn “phong bì” trong các cơ sở khám, chữa bệnh./.
Theo: qdnd.vn