Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý đất đai, trong đó tập trung thanh, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; việc thực hiện kế hoạch giao đất cho nhân dân làm nhà ở; việc quản lý, sử dụng quỹ đất công của UBND cấp xã; việc thực hiện các dự án của các doanh nghiệp… Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai đã từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Các ngành chức năng giải tỏa vi phạm pháp luật đất đai tại xóm 2 xã Nam Toàn (Nam Trực). |
Tại huyện Nam Trực, ở Thị trấn Nam Giang và 4 xã: Nam Toàn, Nam Dương, Điền Xá, Nam Hồng có tổng số 2.594 hộ vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích 128,87ha. Trong đó, 1.018 hộ vi phạm với 28,08ha đất đã có quyết định xử lý theo kiến nghị thanh tra nhưng chưa thực hiện xử lý; 1.576 hộ mới vi phạm tại 100,78ha đến nay chưa có quyết định xử lý. Tại Thị trấn Nam Giang, theo Quyết định số 1319/QĐ của UBND tỉnh ngày 1-10-1999 quyết định xử lý vi phạm pháp luật đất đai sau thanh tra, kết luận của Sở Địa chính đối với 283 hộ vi phạm. Đến nay, đã xử lý xong 105 hộ; còn tồn đọng 178 hộ, bao gồm 84 hộ do UBND thị trấn thu tiền đất sai với diện tích 8.080m2, cấp trái thẩm quyền 9.090m2 cho 94 hộ. Theo quyết định của UBND tỉnh, UBND thị trấn phải thu hồi vào ngân sách tỉnh nhưng sau khi thu hồi thị trấn đã sử dụng hết số tiền vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Do chưa xử lý được tiền thu nên đến nay việc xử lý về đất tại 178 hộ này cũng chưa được hoàn tất. Bên cạnh những vi phạm tồn đọng cũ, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Thị trấn Nam Giang tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ở hầu khắp các thôn xóm, trong đó tập trung nhiều nhất tại: Khu HTX Tiền Tiến cũ, khu HTX Mộc Sơn Lâm, khu Trường THPT Nam Giang và thôn Tư. Trong số các hộ vi phạm, có một số cán bộ chủ chốt của thị trấn. Tại xã Điền Xá, số hộ vi phạm cũ theo Quyết định xử lý số 1408 năm 1999 của UBND tỉnh là 584 hộ với tổng diện tích vi phạm là 23,41ha, trong đó có 41 hộ được UBND xã giao đất không đúng thẩm quyền, 64 hộ được Ban quản lý HTX giao đất, 435 hộ được các đội cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đấu thầu lâu dài, 27 hộ lấn chiếm đất công lập vườn. Toàn bộ số diện tích đất sử dụng trái phép đến nay vẫn chưa được xử lý. Theo kết quả rà soát của Phòng TN và MT huyện và UBND xã, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Điền Xá đã có 665 hộ tự chuyển đổi đất được giao ổn định lâu dài thành đất vườn trồng cây cảnh với tổng diện tích 24,64ha. Tuy nhiên, đến nay, những trường hợp vi phạm này cũng chưa được thanh, kiểm tra, kết luận, xử lý. Tại xã Nam Toàn, theo kết luận số 191 năm 2009 của Sở TN và MT, từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành có 637 hộ vi phạm với tổng diện tích là 48,4ha. Trong đó, có 78 hộ được giao ruộng ổn định tự ý chuyển mục đích sang làm vườn trồng cây cảnh; 59 hộ nhận khoán thầu đất công ích tự chuyển đổi trồng cây cảnh. Toàn bộ số hộ vi phạm trên địa bàn xã Nam Toàn đã được Sở TN và MT trình UBND tỉnh ra quyết định xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục. Tại xã Nam Dương, tháng 11-2010 có 6 hộ lấn chiếm đất công nằm trong quy hoạch đất giãn cư ven đường 490C (đường 55 cũ) để xây dựng nhà và sân với diện tích 0,07ha; tháng 1-2011 có 1 hộ tự ý vượt lập xây tường bao vào diện tích đất công ven đường. Thanh tra huyện đã kiểm tra và có văn bản kiến nghị phương án cưỡng chế công trình, thu hồi đất nhưng hiện vẫn chưa hoàn tất các thủ tục. Tại xã Hồng Quang, theo kết quả kiểm tra của Phòng TN và MT huyện trên địa bàn xã có 134 hộ lấn chiếm đất bờ sông Châu Thành và sông An Lá với diện tích 1,78ha để sử dụng làm nhà ở, quán bán hàng. Trong đó có 108 hộ vi phạm trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành; 26 hộ mới lấn chiếm sau năm 2003. Hiện 121 hộ đã xây nhà, trong đó có 67 hộ xây nhà kiên cố, 54 hộ xây nhà cấp bốn.
Không chỉ riêng huyện Nam Trực, trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại và phát sinh nhiều đơn vị, địa phương vi phạm pháp luật đất đai. Toàn tỉnh còn 10 xã, thị trấn giao đất trái thẩm quyền; hàng trăm hộ dân vẫn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc lấn chiếm đất. Ở một số nơi, vẫn còn tình trạng thôn, đội bán đất trái phép như ở xã Yên Thắng (Ý Yên) có 16 thôn, đội bán đất trái phép; xã Xuân Tân (Xuân Trường) từ năm 2009 đến năm 2010 các thôn đội đã bán đất trái phép cho 52 hộ dân. Nhiều xã vẫn để cho thôn đội và HTX nông nghiệp quản lý quỹ đất công như ở các xã Nghĩa An (Nghĩa Hưng), Nam Toàn (Nam Trực), Yên Bằng (Ý Yên). Tính đến đầu tháng 10-2011, toàn tỉnh có 120 tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có 33 tổ chức được giao đất nhưng chưa xây dựng công trình với diện tích là 106,71ha đất, 32 tổ chức đã xây dựng nhưng còn chậm tiến độ trên diện tích 414,32ha đất và 55 cơ quan, tổ chức có các sai phạm khác như sử dụng lãng phí, kém hiệu quả là 23,47ha đất; chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất, thanh lý tài sản và giao đất cho cán bộ công nhân viên để làm nhà ở với diện tích là 8,42ha và cho thuê trái phép là 6,13ha. Theo đánh giá của Sở TN và MT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hai năm trở lại đây, kinh tế suy giảm khiến cho nhiều doanh nghiệp sử dụng đất gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã giảm nhu cầu sử dụng đất và phải chuyển nhượng tài sản, đất đai để thu hồi vốn; cụ thể như khối doanh nghiệp đóng tàu đã xin thuê đất dài hạn nhưng không có khả năng tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật về đất đai còn chưa đồng bộ giữa các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Ngoài ra, còn có tình trạng một số doanh nghiệp lập dự án để thuê đất nhằm mục đích bán đất để thu lợi. Những năm gần đây, nghề trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tại những địa phương buông lỏng quản lý đã xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang trồng cây cảnh. Ý thức chấp hành pháp luật đất đai của người sử dụng còn thấp. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về pháp luật đất đai còn hạn chế. Công tác quản lý đất công ích còn nhiều bất cập; một số HTX, thôn, đội cho thuê đất thu tiền một lần chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, việc chuyển giao đất công ích cho UBND cấp xã quản lý chưa được triệt để nên còn xảy ra tình trạng HTX, thôn, đội bán đất trái phép. Công tác thanh, kiểm tra của UBND cấp huyện không được thường xuyên dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm. Việc xử lý các sai phạm sau khi đã có quyết định xử lý hoặc kết luận của thanh tra không dứt điểm và thiếu kiên quyết...
Để xử lý những vi phạm pháp luật về đất đai, Sở TN và MT đã đề xuất nhiều biện pháp có tính khả thi, sát thực với tình hình thực tế của các địa phương, UBND các huyện phải khẩn trương, kiên quyết xử lý dứt điểm các sai phạm đất đai đã được kết luận. Tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường việc quản lý và sử dụng đất công, phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện lập phương án xử lý đối với các trường hợp do thôn đội, HTX đã thu tiền một lần hoặc cho thuê dài hạn thu tiền một lần, báo cáo UBND huyện trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ địa chính xã trong việc quản lý và xử lý nghiêm đối với những cán bộ có vi phạm pháp luật về đất đai. Hiện các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp để sớm hoàn thiện công tác xử lý các vi phạm đất đai còn tồn tại. Bên cạnh đó, các sở, ngành hữu quan, các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết những sai phạm mới phát sinh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy