Tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập

07:11, 08/11/2011

Ngày 1-11-2011, UBND tỉnh có Công văn số 227/UBND-VP7 gửi Sở GD và ĐT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập. Nội dung Công văn như sau:

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân nhất là phụ huynh học sinh. Cùng với ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh đã góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh trong nhà trường được tốt hơn. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước chưa thường xuyên, chặt chẽ nên việc huy động đóng góp ở các cơ sở giáo dục không thống nhất, sử dụng thiếu công khai, minh bạch chưa được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm học 2011-2012, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo như sau:

1. Về chủ trương: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chi phí cho

toàn bộ hoạt động phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường thì việc huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh là cần thiết (nhất là đối với cấp Tiểu học đang thực hiện miễn học phí). Tuy nhiên, việc huy động đóng góp của phụ huynh học sinh phải đảm bảo yêu cầu:

- Việc huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh phải trên cơ sở bàn bạc, đồng thuận của Hội cha mẹ học sinh và nhà trường, phù hợp với điều kiện mức sống, thu nhập của phần lớn nhân dân từng vùng.

- Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp phải công khai, minh bạch theo Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11-3-2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách Nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân, Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7-5-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự đứng ra mua sắm, lắp đặt trang thiết bị với sự thoả thuận, hướng dẫn của nhà trường.

2. Về các khoản huy động đóng góp.

Qua kết quả khảo sát của ngành Giáo dục và ngành Tài chính, trong điều kiện hiện nay, các cơ sở giáo dục thống nhất với Hội cha mẹ học sinh huy động một số khoản đóng góp với mức huy động không được vượt quá mức sau:

- Hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất trong các trường Tiểu học (vì không thu học phí nên không đủ kinh phí) để xây dựng, sửa chữa các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập, với mức huy động tối đa ở vùng thành thị là 200.000 đồng/học sinh/năm, vùng nông thôn là 120.000 đồng/học sinh/năm.

- Hỗ trợ cho việc bảo vệ, vệ sinh nhà trường, ghế ngồi cho học sinh sinh hoạt ngoài sân và chi trả tiền điện đối với cấp Tiểu học với mức huy động tối đa:

+ Đối với Mầm non
Vùng thành thị: 10.000 đồng/học sinh/tháng
Vùng nông thôn: 7.000 đồng/học sinh/tháng
+ Đối với Tiểu học, THCS, THPT, GDTX cấp THPT
Vùng thành thị: 15.000 đồng/học sinh/tháng
Vùng nông thôn: 10.000 đồng/học sinh/tháng
- Tiền nuôi ăn bán trú đối với các cơ sở giáo dục Mầm non và Tiểu học có tổ chức cho trẻ ăn ở trường với mức đóng góp tối đa:
+ Đối với Mầm non
Vùng thành thị: 10.000 đồng/học sinh/ngày
Vùng nông thôn: 8.000 đồng/học sinh/ngày
+ Đối với Tiểu học
Vùng thành thị: 15.000 đồng/học sinh/ngày
Vùng nông thôn: 12.000 đồng/học sinh/ngày

- Tiền trông giữ xe đạp đối với các học sinh có nhu cầu gửi xe đạp với mức đóng góp tối đa là 7.000 đồng/học sinh/tháng.

- Đối với các khoản chi phí để trang bị phương tiện, dụng cụ sinh hoạt cho năm đầu vào nhà trẻ, học lớp 1 Tiểu học, quần áo đồng phục, sổ liên lạc... nhà trường chỉ thống nhất về quy cách, mẫu mã để cha mẹ học sinh tự tổ chức mua sắm cho con em mình.

3. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tổ chức huy động, sử dụng và công khai việc quản lý sử dụng các khoản huy động đóng góp của cha mẹ học sinh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- UBND các huyện, thành phố phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo việc huy động đóng góp phải trên cơ sở thoả thuận, thống nhất giữa cơ sở giáo dục với Hội cha mẹ học sinh, không được ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Mức huy động đóng góp cụ thể do các cơ sở giáo dục thống nhất với Hội cha mẹ học sinh, nhưng không được vượt quá mức tối đa tại điểm 2 trên đây và không được đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ sau mỗi học kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời những phát sinh./.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Bùi Đức Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com