Tản mạn chuyện cưới…

08:11, 04/11/2011

Dự đám cưới cậu em họ ở thôn Cao Lộng, xã Tân Thịnh (Nam Trực), tôi không khỏi ngỡ ngàng: Lúc đón dâu về, trong tiếng nhạc tưng bừng với âm thanh ầm ĩ từ chiếc loa mở hết công suất, mấy cậu "choai choai" bạn chú rể đứng lên "chiếm lĩnh" sân khấu của người dẫn chương trình, nhảy nhót lắc lư như lên đồng. Được sự hò reo, cổ vũ của đám bạn trẻ, mấy "vũ công" nghiệp dư càng phấn khích, tràn cả xuống khu vực các cụ đang ngồi, nhảy chồm chồm, khiến cho các cụ cứ phải né người vì sợ bị xô ngã… Tâm sự với bạn bè, mới hay chuyện đua đòi, bày vẽ tốn kém ở nhiều đám cưới thời nay cũng rất đáng suy nghĩ. Có nhà, kinh tế chẳng mấy khá giả cũng cố vay mượn, lo cho con bằng chị bằng em. Chăn ga gối đệm hơn chục triệu đồng. Giường chân đứng chân quỳ, tủ, bàn trang điểm cũng ngót chục triệu nữa. Chưa kể may complê, sắm giày dép, chụp ảnh cưới, thuê xe, làm cỗ… Mới đây, chuyện cô bạn tôi lấy chồng đã trở thành "sự kiện", khiến người khen thì ít, kẻ chê thì nhiều. Bạn tôi ở một vùng quê nghèo của huyện Bình Lục (Hà Nam), bố mẹ là giáo viên, kinh tế gia đình bình thường. Lập nghiệp ở thành phố, bạn tôi làm P.R (nhân viên quan hệ công chúng) của một Cty nước ngoài nên khi cưới, cô đã chọn tổ chức ở một trong những khách sạn lớn cho "hoành tráng". Trên sân khấu lớn được trang hoàng lộng lẫy là hai màn hình, liên tục phát đi những hình ảnh của cô dâu, chú rể từ thuở ấu thơ cho đến hôm nay. Các bàn tiệc trải dài mấy dãy, trên mỗi bàn còn có biển ghi rõ: "Bạn cấp 3 của cô dâu", "Người nhà của cô dâu", "Khách của Cty cô dâu", "Họ hàng của chú rể"… Tuy nhiên, chính sự cầu kỳ quá mức này khiến cho nhiều vị khách đến dự loay hoay mãi không tìm được đúng chỗ ngồi của mình lại thêm tâm lý bị phân biệt…

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ở nhiều địa phương trong tỉnh việc cưới dần đi vào nền nếp. Tại các thôn, làng, khu phố, cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng và đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới thành quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, đơn vị, coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan có nếp sống văn hóa. Sở VH, TT và DL phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức phát động phong trào “Cưới vui tiết kiệm”, “CLB gia đình trẻ”, tuyên truyền tới các đoàn viên thanh niên thực hiện cưới theo nếp sống mới tiết kiệm thời gian, nội dung gọn nhẹ, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Nhờ đó, nhiều biểu hiện không tích cực trong việc cưới đã được ngăn chặn và giảm bớt. Lễ đăng ký kết hôn được nhiều địa phương tổ chức trang trọng, đúng luật. Ở các xã: Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Giao Nhân (Giao Thuỷ), Hải Hà (Hải Hậu), Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)... còn xây dựng và thực hiện thành công mô hình “Cưới theo nếp sống mới”, nhiều đôi bạn trẻ đã chọn tổ chức đám cưới tại nhà văn hoá của tổ dân phố. Một số xã như: Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Nhân (Giao Thuỷ) còn quan tâm hỗ trợ gia đình tổ chức lễ cưới về thiết bị âm thanh, trang trí, đội văn nghệ, người điều hành hôn lễ... Tình trạng tổ chức ăn uống linh đình phần lớn đã được hạn chế. Nhiều đám cưới ở các xã Xuân Vinh, Xuân Bắc, Xuân Châu, Xuân Thượng (Xuân Trường) và hơn 50% số xóm của huyện Hải Hậu tổ chức theo hình thức tiệc trà, không mời thuốc lá trong đám cưới. Một số nét đẹp văn hóa đã hình thành trong việc cưới. Tại một số xã của huyện Vụ Bản, trước đám cưới, cô dâu, chú rể đến nghĩa trang liệt sỹ thắp hương, trồng cây lưu niệm. Tại Thành phố Nam Định, khi xe đưa đón dâu qua Quảng trường 3-2, mọi người dừng lại thắp hương trước tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo... Những mô hình, nét đẹp văn hóa đó trong việc cưới cần được nhân rộng./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com