Từ hơn 2 năm nay, Phòng Ngôn ngữ trị liệu của Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình không may có con bị tật câm, điếc bẩm sinh. Người phụ trách ở đây là lương y Nguyễn Thị Tú, quê ở xã Yên Tân (Ý Yên). Cơ duyên đưa chị đến với trẻ tật nguyền do cách đây 3 năm, khi theo học khóa châm cứu, bấm huyệt tại Thành phố Nam Định, chứng kiến cảnh nhiều đứa trẻ vốn rất nhanh nhẹn, thông minh nhưng lại mắc bệnh khiếm thính, chậm nói, ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp xã hội, chị đã tình nguyện xin về Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định. Qua tìm hiểu, chị nhận thấy nhiều trẻ chậm nói do khiếm thính nếu được điều trị và trợ thính phù hợp sẽ học nói và nói được bình thường. Tuy nhiên, điều tưởng chừng đơn giản ấy nhưng với nhiều gia đình, hoặc là không biết hoặc biết nhưng không có điều kiện bởi hiện nay trên thị trường, một máy trợ thính có giá 50-70 triệu đồng, những trường hợp điếc sâu phải cấy ốc tai kinh phí 400-500 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều cháu chậm nói còn do nguyên nhân mắc bệnh tự kỷ nếu được can thiệp sớm, trẻ vẫn có thể nói được bình thường. Chị Tú cho biết: “Mỗi cháu đến với Phòng Ngôn ngữ trị liệu có đặc thù riêng về bệnh tật, khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Điều quan trọng với người thầy thuốc là phải “bắt” đúng bệnh của mỗi cháu để có phương pháp trị liệu phù hợp, trong đó phải tạo được sự gần gũi, thân thiện để trẻ sẵn sàng hợp tác với thầy thuốc trong quá trình điều trị”. Bằng tấm lòng thương yêu, chia sẻ, sự kiên trì, nhẫn nại, lương y Nguyễn Thị Tú đã “đánh thức” khả năng nghe, nói của nhiều trẻ câm, điếc...
Từ một vài trường hợp thành công ban đầu, “tiếng lành đồn xa”, nhiều gia đình có con bị câm, điếc ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An… cũng “khăn gói” đưa con về trung tâm. Tại đây, các cháu được điều trị kết hợp nhiều phương pháp vừa dùng tâm lý trị liệu và y học trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt giúp kích thích dây thần kinh ngoại cảm, dạy phát âm giúp các cháu rèn luyện cơ miệng, cơ môi. Nhiều cháu do lâu ngày không nói, chị và đồng nghiệp đã phải tập bằng cách cho các cháu nhai kẹo cao su để tạo sự mềm dẻo của cơ miệng. Đối với những trường hợp chậm nói do mắc bệnh tự kỷ, bên cạnh phương pháp y học trị liệu, chị và đồng nghiệp còn sử dụng các biện pháp tâm lý học để động viên, khuyến khích các cháu mạnh dạn trong giao tiếp, từ đó phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Kết quả trong 2 năm 2009-2010, trong số 78 cháu câm, điếc được điều trị tại trung tâm, có 58 cháu có chuyển biến tốt, đã bắt đầu nói được một số từ, nhiều cháu nói được cả câu. Đặc biệt có những trường hợp điếc sâu nhưng chỉ sau một thời gian điều trị, đeo máy trợ thính đã nghe được ở cự ly gần. Cháu Nguyễn Văn Chung, 14 tuổi ở phường Cửa Nam (TP Nam Định) bị câm, điếc bẩm sinh, sau một thời gian được cô Tú và các y bác sỹ của trung tâm điều trị, nay đã hát được cả một đoạn trong bài hát “Bà ơi bà”, tuy phát âm chưa thực sự tròn vành rõ chữ song với gia đình cháu, đó là một điều kỳ diệu. Không chỉ luyện khả năng nghe, nói, những cháu từ 6 tuổi trở lên có chút khả năng nghe, nói còn được “cô giáo Tú” dạy nhận biết mặt chữ, đọc và đánh vần những câu đơn giản, mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình các cháu. Anh Phạm Đức, bố cháu Phạm Quang Khoa (6 tuổi) ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: Cháu bị mắc bệnh chậm nói, gia đình mới có mình cháu nên đã đưa đi chữa trị nhiều nơi, được người bạn mách bảo, gia đình đã đưa con ra trung tâm, được lương y Nguyễn Thị Tú trực tiếp trị liệu cho cháu kết hợp châm cứu, bấm huyệt, dạy cách phát âm. Sau 1 tháng rưỡi điều trị, nay cháu đã phát âm được 3 từ liền, nói và hát các bài hát thiếu nhi đơn giản, gia đình tôi rất phấn khởi.
Miệt mài từ sáng đến tối ở trung tâm, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị và các đồng nghiệp ở đây là được nhìn thấy sự tiến bộ của các cháu, những nụ cười hạnh phúc của các bậc cha mẹ khi thấy con em mình bập bẹ được những âm thanh đầu tiên. Nhìn cách chị âu yếm, dỗ dành, nắn cho trẻ tật nguyền từng âm, từng chữ mới thấy được tấm lòng, sự tâm huyết của những thầy thuốc ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định./.
Hoài Phương