Nhà ở cho công nhân KCN - Mối nghẽn chính sách

10:11, 04/11/2011

Tốc độ phát triển nhà ở toàn quốc tăng nhanh (bình quân mỗi năm xây dựng được 70 triệu m2), nhưng đời sống của người công nhân, đặc biệt là nơi ở của người lao động trong các khu công nghiệp lại không được cải thiện bao nhiêu. Chính sách phát triển nhà ở cho đối tượng này cũng đã có, song dường như việc thực thi còn những mối nghẽn cần gỡ.

 Chỉ khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định

Với 260 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập trên cả nước, đến nay, đã thu hút khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp vào làm việc. Đó là chưa kể hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Với một lực lượng lớn như vậy, song đời sống, đặc biệt là nơi ở của người lao động còn rất khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay tại các KCN mới có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 150.000-200.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Trong khi mức thu nhập bình quân hằng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, từ 2,0-2,2 triệu đồng/người/tháng. Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.

 Chính sách chưa sát thực tế - công nhân chê sang, ở khổ

Theo quy định của Luật Nhà ở (ban hành năm 2005) các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế được tham gia phát triển Quỹ nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công nhân lao động tại các KCN thuê, thuê mua. Tuy nhiên, sau đó việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp nói chung và cho công nhân nói riêng thuê, thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở chưa đạt được nhiều kết quả.

Công nhân phải ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Pv
Công nhân phải ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước thực tế này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP-2009, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp theo phương thức xã hội hóa. Trong đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc được bù lãi suất theo quy định; được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án.

Theo quy hoạch, đến năm 2015 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng 6,3 triệu và đến năm 2020 khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động thực tế đến nay khoảng 1,6 triệu và dự kiến đến năm 2015 khoảng gần 4 triệu và năm 2020 là khoảng 6 triệu. Theo báo cáo của các địa phương thì có khoảng 70% là công nhân ngoại tỉnh, nhà xa có nhu cầu về chỗ ở. Như vậy, số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2015 khoảng 2,65 triệu người tương đương khoảng 21,2 triệu m2 nhà ở và năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay cả nước có 27 dự án đã được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.015 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 866.600 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 139.800 công nhân lao động tại các KCN. Hiện đã có 9 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (Hà Nội 1 dự án; TP. Hồ Chí Minh 8 dự án). Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã xem xét ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi đối với 1 dự án nhà ở cho công nhân (tại KCN Long An). Một số nội quy nhà ở cũng đã được giải quyết, vì vậy mà hiện nay số lượng công nhân vào sinh sống cũng đã tăng lên.

Tuy bước đầu đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có thể thấy việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động các KCN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra, với nhiều lý do về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân chưa đủ mạnh: Việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được thực hiện từ tháng 4 đến 12-2009; việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất gần như không đáng kể; việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại lãi suất cao cũng gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Các địa phương chưa quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động khi thực hiện thu hút đầu tư; các doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực sự có trách nhiệm và cùng chia sẻ việc giải quyết nhà ở cho công nhân như một giải pháp thu hút lao động, ổn định sản xuất.

Đáng buồn là, trong bối cảnh khó khăn về nhà ở như thế, lại có tình trạng, khi các dự án hoàn thành, do một số rào cản về thủ tục pháp lý và nội quy nhà ở mà hiện nay một phần đông công nhân tại các KCN vẫn lựa chọn thuê nhà ở kém chất lượng bên ngoài để ở. Nghịch lý "chê sang chịu... khổ" ở bộ phận lớn công nhân đang là một bài toán nan giải chưa có đáp án./.

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com