Nhận thức được yêu cầu cấp thiết của công tác bảo đảm an toàn PCCC cho doanh nghiệp, nhất là trong mùa hanh khô, Cty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Anh (CCN An Xá - TP Nam Định) đã chủ động đề xuất với Ban quản lý CCN và Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) tập huấn nghiệp vụ PCCC cho đội an ninh xung kích của doanh nghiệp. Lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho 50 học viên của 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong điều kiện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao đã được tổ chức. Cty TNHH Bảo vệ Toàn Khánh có nhân viên làm công tác bảo vệ ở hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Hòa Xá và CCN An Xá khi biết tin về lớp học đã cử nhân viên bảo vệ đến tham dự lớp.
Ngoài các doanh nghiệp nhận thức đúng tầm quan trọng của việc huấn luyện PCCC nói riêng và ATLĐ nói chung hiện còn nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với công tác này. Thực tế các doanh nghiệp thường trang bị khá đầy đủ thiết bị PCCC từ họng nước, bình bọt đến hố cát, xô, xẻng…, nhưng việc huấn luyện nghiệp vụ thì rất hạn chế, trừ những doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu mà khách hàng đòi hỏi khắt khe về quy trình sản xuất sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp thuê lao động là công nhân đã nghỉ hưu vì tay nghề kỹ thuật cao, nhưng lại thường chủ quan bỏ qua khâu huấn luyện ATLĐ nên các vụ tai nạn lao động đã xảy ra, gây thương tích, ảnh hưởng đến cả NLĐ và doanh nghiệp. Hằng năm, Phòng Việc làm và ATLĐ (Sở LĐ-TB và XH), Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố, công đoàn các cấp đều có văn bản chỉ đạo, kiểm tra công tác ATVSLĐ, huấn luyện ATVSLĐ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chấp hành vẫn không nghiêm túc. Trên thực tế với hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và mỗi năm có nhiều doanh nghiệp mới ra đời, các đoàn kiểm tra phải vài năm có khi cũng chưa quay vòng trở lại kiểm tra doanh nghiệp, chỉ phụ thuộc vào sự tự giác của các doanh nghiệp và ý thức của NLĐ. Mặt khác chi phí cho công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp nếu bảo đảm đúng quy định là khoản chi không nhỏ và được tính vào giá thành sản phẩm, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nên một số doanh nghiệp không muốn đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa tính đến nguy cơ tai nạn xảy ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Tình trạng này vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu từ phía pháp luật, chỉ khi có tai nạn thì cơ quan chức năng mới có thể xem xét và chỉ ra những thiếu sót của doanh nghiệp.
Hiện nay, công tác huấn luyện ATLĐ cho công nhân ở nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng ở phổ biến nội quy, quy tắc về ATVSLĐ cho công nhân mới vào làm, hoặc học tập các quy định về ATVSLĐ, còn việc huấn luyện thực tế rất hạn chế trừ những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về ATLĐ. Trong Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ hàng năm, thường chỉ có các doanh nghiệp trong KCN, CCN tập trung có tổ chức các lớp tập huấn về ATLĐ cho các cán bộ làm công tác BHLĐ, hay lực lượng xung kích, mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Ở các huyện, cũng chỉ tổ chức được một, hai lớp cho hàng trăm học viên của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn nên hiệu quả thực tiễn cho NLĐ không cao trong khi ATVSLĐ trong từng lĩnh vực, nghề nghiệp có những đòi hỏi, đặc thù riêng. Đặc biệt công tác PCCC ở các doanh nghiệp làng nghề nông thôn vẫn còn khá thờ ơ, chủ quan. Đối với lao động đã qua đào tạo nghề thì ít nhiều đã được trang bị kiến thức cũng như được thực hành về ATVSLĐ, nhưng hiện nay tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn rất lớn nên việc huấn luyện ATVSLĐ - PCCC hết sức cần thiết, vì lợi ích của chính doanh nghiệp./.
Tràng Thi