Qua hơn hai năm triển khai Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” (giai đoạn 1) do Tổ chức quốc tế Agriterra (Hà Lan) tài trợ, Hội Nông dân (HND) đã giúp nhiều hộ ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Kiểm tra tôm giống ở hộ ông Nguyễn Văn Hùng, xã Hải Triều (Hải Hậu). |
Hiện nay, tại địa bàn 9 xã tham gia dự án có 1.605 hộ nuôi thuỷ sản và 105 hộ buôn bán kinh doanh các loại thuỷ sản. Tuy nhiên, các hộ nuôi thuỷ sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và theo phong trào, chưa biết xây dựng kế hoạch và hạch toán nên hiệu quả trong kinh doanh không cao và không được kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn thuỷ sản. Nguyên nhân do mức độ đầu tư cho công tác tập huấn nâng cao năng lực lập kế hoạch quản lý kinh doanh, sản xuất tiếp thị và khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật của nông dân còn hạn chế. Nhận thức của các hộ nuôi về nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cùng mạng lưới liên kết giữa các hộ sản xuất chưa được quan tâm, chưa có mô hình chuẩn và nông dân còn thiếu kinh nghiệm trong việc huy động cộng đồng tham gia nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả. Vì vậy, nông dân bị tư thương ép giá, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Xã Hải Đông (Hải Hậu) có vùng nuôi thủy sản rộng trên 30ha nằm ở các bãi ven đê biển với 37 hộ nuôi. Vụ tôm 2011, các hộ nuôi thủy sản đã thu trên 213 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng. Song các hộ nuôi thủy sản chủ yếu vẫn bán qua thương lái nên giá trị thu nhập chưa cao. Ở một số địa phương, việc quy hoạch còn đan xen giữa vùng nuôi thủy sản và vùng sản xuất muối nên vùng nuôi thủy sản nguồn nước dễ bị nhiễm mặn, còn vùng sản xuất muối bị ảnh hưởng do nguồn nước thải ra từ các đầm, ao nuôi thủy sản không đảm bảo chất lượng cho sản xuất muối.
Để tiếp tục hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, bền vững, HND tỉnh đang tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hộ nông dân về kỹ thuật nuôi, chế biến thuỷ sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; chỉ đạo HND các xã trong vùng dự án tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt CLB nông dân, CLB nuôi trồng thuỷ sản. HND tỉnh đã chỉ đạo HND 3 huyện có các xã tham gia dự án thành lập 9 tổ hợp nuôi, kinh doanh thuỷ sản, mỗi tổ hợp gồm 50-60 hội viên và có ban chủ nhiệm. Từ nguồn kinh phí dự án, HND tỉnh trang bị cho mỗi tổ hợp 1 máy tính, 1 bộ bàn ghế văn phòng. Trong thời gian 1 năm, các tổ hợp được hỗ trợ thuê bao kết nối internet; kinh phí sinh hoạt, hội họp. Bên cạnh đó, HND tỉnh tổ chức đoàn tham quan mô hình nuôi thuỷ sản, nhà máy chế biến thuỷ sản tại Quảng Ninh và khảo sát giá thuỷ sản trên thị trường. Tại mỗi xã tham gia dự án sẽ tổ chức 1 lớp tập huấn cho 30 học viên gồm các hộ nuôi, kinh doanh, chế biến thuỷ sản, nội dung tuyên truyền tập trung vào việc lập kế hoạch kinh doanh; khai thác thông tin trên mạng… HND tỉnh tham mưu với tỉnh, chỉ đạo các huyện, xã tập trung hoàn thành quy hoạch sản xuất, trong đó có quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung, điều kiện về mặt nước; cho vay vốn ưu đãi, tạo thuận lợi cho các hộ nuôi thủy sản phát triển bền vững. Cùng với sự hỗ trợ của HND, các hộ nuôi cần mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng hệ thống ao nuôi kiên cố, tích cực đưa những giống cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và chủ động áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, có kế hoạch thu hoạch rải rác, rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt cùng một lúc. HND tỉnh khuyến khích các hộ nuôi phối hợp với các cơ sở chế biến, tiêu thụ thủy sản thành lập Hiệp hội để điều tiết việc tiêu thụ hàng hóa, tránh tình trạng tư thương ép giá.
Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các hộ nông dân, đặc biệt là vai trò của HND các cấp trong việc hỗ trợ hội viên nuôi trồng thủy sản, trong những năm tới, ngành nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong vùng dự án sẽ phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn