Trong những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh niên, thiếu niên có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là thanh niên, thiếu niên phạm các tội ác nghiêm trọng ngày càng nhiều, gây dư luận bất an, thiếu tin tưởng vào hình ảnh của lớp trẻ hôm nay. Bên cạnh đó, người trẻ tuổi vướng vào các tệ nạn xã hội, có những hành vi đi ngược với phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhân văn của dân tộc cũng diễn ra ở nhiều nơi...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, trong đó, đáng chú ý là thanh niên, thiếu niên không hiểu biết về pháp luật; thiếu sự giáo dục, rèn luyện, định hướng của gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn, hội; hoàn cảnh gia đình khó khăn, trắc trở; bị bạn bè xấu lôi kéo; không có việc làm; thất học...
Bên cạnh những bạn trẻ có lối sống đẹp, sống có ích, đang sẵn sàng cống hiến trí tuệ, sức trẻ cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và đất nước, thì vẫn còn những thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật đã và đang trở thành vấn đề "nóng" của toàn xã hội, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
Để ngăn chặn thực trạng này, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội với những chương trình hoạt động cụ thể, dài hơi và thiết thực. Trong đó, việc giáo dục, định hướng cho tuổi trẻ thông qua các hoạt động thực tế có ý nghĩa rất quan trọng. Thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều chương trình hoạt động thực tế góp phần quan trọng giáo dục, định hướng, động viên các bạn trẻ xây dựng lối sống đẹp, sống có ích và rất cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, nhân rộng. Có thể nói về Học kỳ trong quân đội do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành Đoàn phối hợp các đơn vị quân đội trong cả nước triển khai thực hiện. Tuy có hạn chế nhất định nhưng Học kỳ trong quân đội là môi trường rèn luyện quan trọng, góp phần giúp các thanh niên, thiếu niên hiểu rõ hơn về cuộc sống, lao động, học tập và rèn luyện của người chiến sĩ trong quân ngũ. Qua đó, mỗi bạn sẽ cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn về ý thức kỷ luật, tinh thần đồng đội, ý chí vượt khó. Hay việc Thành Đoàn Hà Nội đưa các sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng đi bóc, xóa các quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn thành phố, dọn dẹp vệ sinh môi trường và tham gia nhiều chương trình xã hội, từ thiện khác. Đây là những hoạt động mà có không ít sinh viên trong suốt bốn năm ngồi trên ghế nhà trường đại học chưa một lần tham gia. Trong những năm qua, TW Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa thanh niên, sinh viên tiêu biểu với những người trẻ tuổi đang trong quá trình cải tạo tại các nhà tù, trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội... Đó còn là những chuyến đi thực tế của hàng nghìn lượt sinh viên, thanh niên về với những vùng quê còn nghèo thông qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Gần đây nhất, vào tháng 10 vừa qua, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức cho gần 170 học sinh THCS của Thủ đô về với người nông dân ở Ba Vì và tham gia làm việc, trồng lúa, trồng rau, hái chè, chăm sóc gia súc, gia cầm... như những người nông dân thực thụ. Sự trải nghiệm thực tế này đã bước đầu giúp các em thấu hiểu những vất vả "một nắng, hai sương" của người nông dân, qua đó, mỗi em biết trân trọng hơn công sức lao động, làm việc của người nông dân nói riêng và của xã hội nói chung.
Giáo dục, định hướng cho thanh niên, thiếu niên trong thời kỳ mới của đất nước không thể và sẽ không có được kết quả thực chất nếu chỉ thông qua những lời hô hào, những khẩu hiệu "trống dong, cờ mở", những chương trình phát động hưởng ứng hình thức, đối phó... Tuổi trẻ hôm nay cần được trải nghiệm trong thực tế, trải qua những vất vả, nhọc nhằn... để từ đó thấu hiểu giá trị của sự học tập, của lao động và rèn luyện. Từ thực tế đó, mỗi bạn trẻ tự trau dồi cho mình bản lĩnh vững vàng, ý chí tự lập để vượt qua những cám dỗ, thử thách của cuộc sống để lập thân, lập nghiệp thành công./.
Theo: nhandan.com.vn