Chợ tự phát (hay còn gọi là chợ cóc) ở đô thị thường kéo theo hàng loạt những tác động xấu về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, giá cả và chất lượng hàng hóa… Năm 2010, Thành phố Nam Định đã tổ chức ra quân, kiên quyết dẹp bỏ một số chợ cóc trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng chợ cóc vẫn có xu hướng phát triển.
Chợ cóc Ngã Sáu Năng Tĩnh lấn chiếm cả lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến ANTT, ATGT và VSMT. |
Dễ nhận thấy nhất là sự tái lập của chợ cóc Lý Thường Kiệt. Đây là khu chợ tự phát, chuyên buôn bán hoa quả. Đã có thời gian dài chợ này “phình to”, không chỉ tập trung ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Trần Bình Trọng mà còn mở rộng ra theo các tuyến phố đến đường Quang Trung, Trường Chinh, trở thành đầu mối trung chuyển, buôn bán hoa quả của thành phố và các huyện trong tỉnh. Sự xuất hiện của chợ cóc này đã gây bức xúc với nhiều người dân sống trong khu vực. Bà Lê Thị Hân ở số nhà 68 Lý Thường Kiệt cho biết: “Nhà tôi ở trong khu vực họp chợ. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến tối luôn ồn ã. Buổi chiều hoa quả hỏng, rác chất đống ngay cửa nhà”. Trước bức xúc của nhân dân, thành phố đã ra quân, kiên quyết xóa bỏ chợ cóc Lý Thường Kiệt. Khu phố trở nên sạch sẽ, thoáng đãng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, khu chợ này dần hoạt động trở lại (!).
Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều chợ tự phát, chợ cóc như: chợ ở Ngã tư đường Giải Phóng - Mỹ Trọng tồn tại từ nhiều năm, chợ quần áo Năng Tĩnh, chợ rau Nguyễn Trãi, chợ khu vực cửa Trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh (đường Trần Thái Tông), chợ Lý Thường Kiệt… Những chợ cóc trên gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân quanh khu vực chợ. Ông Lê Đình Vân, nhà ở ngã tư Trần Bình Trọng - Lý Thường Kiệt phản ánh: “Cả phố đồng tâm xây dựng khu phố văn hóa nhưng khi chợ tái họp xe cộ, hàng hóa lấp kín lối đi, rác thải chất thành từng đống. Ngoài ra, hoạt động của các chợ này còn gây thất thu thuế, giá cả, chất lượng hàng hóa thiếu sự quản lý nên tạo tâm lý không yên tâm cho nhân dân”.
Để xóa bỏ các chợ cóc, Công an Thành phố Nam Định đã tổ chức lực lượng tuần tra, giải tỏa và bố trí cảnh sát trật tự phối hợp với công an phường chốt gác hàng tháng trời, nhưng sau đó, chỉ lui đi vài ngày là chợ họp trở lại. Để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tái lập các chợ cóc, chợ tạm không chỉ dựa vào lực lượng công an mà UBND các phường phải tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng giải tỏa, kiên quyết không để chợ cóc hoạt động trên địa bàn, đồng thời quy hoạch, xây dựng chợ để đảm bảo nhu cầu giao thương của người dân. Trong năm 2010 và 10 tháng năm 2011, UBND thành phố đã xây mới, đưa vào sử dụng chợ Phạm Ngũ Lão; đầu tư, nâng cấp các chợ Nam Vân, Năng Tĩnh, Lộc An, Hạ Long, Mỹ Tho…; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia mở rộng, nâng cấp các chợ trong thành phố để giảm tải áp lực hiện nay. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã đưa ra phương án thành lập các chợ đêm, chợ ẩm thực, tuyến phố đi bộ để đáp ứng nhu cầu nâng cấp đô thị…
Bài và ảnh: Hoàng Văn