Giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở các cơ sở y tế

08:11, 23/11/2011

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có tên trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống xử lý nước thải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hệ thống xử lý nước thải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở y tế sớm nhất toàn quốc được Bộ Y tế trang bị lò đốt rác thải y tế công nghệ cao Oval của Áo với tổng kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng, công suất đạt 400kg/ngày, bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2002. Khối lượng rác thải cần xử lý bằng lò đốt của bệnh viện là 130kg/ngày nên lò đốt này còn phục vụ xử lý rác thải y tế cho 10 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Về rác thải sinh hoạt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ký hợp đồng thu gom rác với Cty Vệ sinh môi trường Nam Định. Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải bổ sung trên 200 triệu đồng để đốt rác thải y tế và xử lý rác thải sinh hoạt. Nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị xếp vào danh sách xử lý theo Quyết định 64 vì chưa thực hiện quy định phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra hệ thống thoát nước. Với quy mô 600 giường bệnh, khối lượng nước thải khoảng 6.500m3, nếu không được xử lý đúng quy trình kỹ thuật sẽ không chỉ gây ô nhiễm mà còn có nguy cơ mang mầm bệnh đối với môi trường sống của cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2008 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghệ tiên tiến có công suất 700m3/ngày, tổng đầu tư 5,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2009, hệ thống xử lý nước thải đã chính thức được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay do công tác vận hành còn chưa đảm bảo nên trong tổng số 36 chỉ số của nước thải cần đạt trước khi đưa vào hệ thống nước thải chung của thành phố, nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn còn 4 chỉ số quá mức cho phép. Bên cạnh đó, một số khâu về thủ tục xử lý chất thải, nước thải của bệnh viện chưa được thực hiện kịp thời như lập sổ đăng ký chủ nguồn thải của chất thải nguy hại, giấy phép quản lý chất thải nguy hại, lập đề án bảo vệ môi trường… Tháng 5-2011, Thanh tra Bộ TN và MT đã tiến hành thanh tra về thực hiện Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngay sau cuộc thanh tra, UBND tỉnh và Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện khẩn trương thực hiện các thủ tục, hồ sơ và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước thải 2 lần, qua kiểm tra đều đảm bảo chỉ số yêu cầu. Dự kiến cuối tháng 11-2011 các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu lần cuối để quyết định đảm bảo chất lượng nước thải. Bệnh viện Đa khoa tỉnh phấn đấu hết năm 2011, sẽ ra khỏi danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong khi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang có những tiến triển khả quan về bảo vệ môi trường thì tại các cơ sở y tế khác trong tỉnh lại diễn biến ngược lại. Ngày 20-7-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1172/QĐ-UBND về phê duyệt các danh sách bổ sung các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần xử lý triệt để theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ. Cả 17 đơn vị mới xếp vào danh sách về ô nhiễm môi trường đều là các đơn vị công lập thuộc ngành y tế, gồm: Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Nguyên nhân gây ô nhiễm xuất phát từ việc các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế. Theo quy định của UBND tỉnh, trong thời hạn từ năm 2011-2013, các đơn vị này phải xử lý triệt để nguồn nước thải nguy hại bằng hình thức nâng cấp, cải tạo,  xây dựng hệ thống nước thải công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với các đơn vị mới bị xếp vào danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lãnh đạo các đơn vị đều cho biết chưa tìm ra giải pháp xử lý nguồn nước thải nguy hại vì chưa có kinh phí đầu tư. Theo tính toán, để xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế công nghệ đảm bảo hiện nay cần tối thiểu 3 tỷ đồng, với các cơ sở y tế công lập chỉ có thể trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Sở Y tế cần sớm xây dựng kế hoạch, báo cáo với UBND tỉnh và Bộ Y tế để có nguồn kinh phí triển khai và đảm bảo hoạt động lâu dài đối với các hệ thống xử lý nước thải. Theo tính toán sơ bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kinh phí hoạt động của hệ thống nước thải tại đơn vị mỗi năm lên tới 500 triệu đồng. Hiện nay, bệnh viện đang dùng nguồn thu từ bệnh viện để trang trải. Với các bệnh viện khác, nhất là ở các bệnh viện tuyến huyện số thu hạn chế, nếu không được hỗ trợ, có thể các hệ thống xử lý nước thải sẽ không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Như vậy, để xử lý triệt để đối với vấn đề ô nhiễm môi trường của các cơ sở y tế, cùng với đầu tư ban đầu, phải tính đến các nguồn lực, yếu tố để duy trì hoạt động bảo vệ môi trường lâu dài, bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Long

 



Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com