Lớp học chạm dát đồng do Trường Trung cấp nghề TCMN truyền thống Nam Định mở tại xã Yên Phong (Ý Yên). |
Nằm kề vùng đất nghề Tống Xá nhưng người dân xã Yên Phong (Ý Yên) không có nghề phụ ngoài làm ruộng, nên thời gian nông nhàn người dân địa phương lại đi khắp nơi để tìm việc làm, tăng thêm thu nhập. Để đảm bảo chi tiêu cho gia đình, vợ chồng chị Phạm Thị Én (30 tuổi) đi làm thợ xây, phụ hồ. Tuy có thêm thu nhập nhưng công việc vất vả, nặng nhọc lại ít thời gian chăm sóc con cái. Khi Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống Nam Định mở lớp dạy nghề dát đồng tại xã, chị Én đã theo học nghề, với hy vọng cách dạy nghề “cầm tay chỉ việc”, chị sẽ có nghề và có việc làm. Chị Nguyễn Thị Thin (54 tuổi) ở xóm An Thái là hộ đơn thân. Ngoài cấy vài sào ruộng, chị không thể đi làm xa nhà nên đã đăng ký tham gia học nghề dát đồng. Chị Thin tâm sự: Nghề dát đồng nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng có những công đoạn tương ứng với tay nghề bậc thợ khác nhau. Chị hy vọng sau khi học nghề, sẽ có việc làm, tăng thêm thu nhập. Đồng chí Hoàng Duy Liêm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề TCMN truyền thống Nam Định cho biết: Qua nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động địa phương và hướng phát triển các ngành nghề nói chung, năm 2011 trường bắt đầu dạy nghề chạm dát đồng. Đây không chỉ là một trong các nghề trọng điểm được Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) chỉ đạo, mà còn phù hợp với địa phương. Ở huyện Ý Yên có nghề đúc đồng nhưng chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, trong khi sản phẩm đồng mỹ nghệ như tranh đồng, chạm dát đồng… thì vẫn phải thuê thợ ở Đồng Sâm (Thái Bình). Thành công trong việc đào tạo nghề chạm dát đồng mỹ nghệ, nhà trường sẽ góp phần cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Ý Yên là địa bàn trọng điểm về phát triển CN-TTCN, làng nghề của tỉnh với nhiều ngành nghề truyền thống như: cơ khí đúc, mộc, mây tre đan và sơn mài tre nứa ghép... Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 300 doanh nghiệp hoạt động, các CCN làng nghề phát triển nhanh đặt ra nhu cầu về lao động. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp, làng nghề phải tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm với giá thành phù hợp, một trong các yếu tố cần thiết là lực lượng lao động phải có kỹ thuật, kiến thức đồng bộ về nghề. Trước yêu cầu đó, năm 2008, Trung tâm dạy nghề huyện Ý Yên được UBND tỉnh cho phép nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề TCMN truyền thống Nam Định với nhiệm vụ đào tạo lao động trình độ sơ cấp và trung cấp cung ứng cho các làng nghề phục vụ phát triển CN-TTCN, làng nghề của tỉnh với quy mô 2.500 học viên/năm, với các nghề may công nghiệp, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, mộc, thêu ren, móc sợi… Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80-90%, trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm 40% đối với trình độ sơ cấp và 100% đối với trình độ trung cấp. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, trường đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để tuyển đủ giáo viên theo định biên và mở thêm các lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cho đội ngũ giáo viên./.
Bài và ảnh: Vân Anh