Những năm qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trên địa bàn Thành phố Nam Định được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp; trong đó công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, hội viên đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Mỹ Xá (TP Nam Định) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên. |
Hằng năm, Phòng Tư pháp thành phố tham mưu với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố xây dựng chương trình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc những nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn, với từng đối tượng, địa bàn; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa truyền thống, tự giác chấp hành pháp luật trong cán bộ, viên chức và nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật dân sự, hình sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình và một số nội dung phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn... Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Phòng Tư pháp thành phố đã tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ TTPBGDPL; biên soạn nội dung tuyên truyền về thực hiện Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở… cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng biên soạn và in ấn trên 70.000 tờ rơi nội dung tuyên truyền về Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở… cấp phát tới 100% cơ sở, tổ dân phố, cụm dân cư. Bên cạnh đó còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, tổ chức hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật. Thông qua việc TTPBGDPL đã nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, viên chức, nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Phòng Tư pháp thành phố đã phối hợp với Ủy ban MTTQ hướng dẫn, kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở, tập huấn về kỹ năng hoà giải và kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho thành viên chủ chốt của Ủy ban MTTQ ở 25 phường, xã trên địa bàn. Phòng Tư pháp cũng phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố tổ chức tập huấn cho các thành viên của 25 CLB phụ nữ với pháp luật; tổ chức cho 361 chi Hội Phụ nữ ở các tổ dân phố, khu dân cư ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và tệ nạn xã hội; tổ chức trợ giúp pháp lý và phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên một nghìn hội viên Hội CCB; phổ biến về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường cho các CLB “Nông dân với pháp luật”. Trong 2 năm (2009-2010), Phòng Tư pháp thành phố đã phối hợp với Thành Đoàn Nam Định tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma tuý”, “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ” trong đoàn viên, thu hút trên 50 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; đồng thời tổ chức thành công cuộc thi “Thanh niên Thành Nam với Luật Giao thông đường bộ và Văn hoá giao thông” dưới hình thức sân khấu hoá trong các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố; thường xuyên tập huấn kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các CLB “Thanh niên với pháp luật”, CLB “Sức khoẻ sinh sản”, CLB “Đồng cảm” và tuyên truyền Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng chống ma tuý cho đoàn viên, thanh niên.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác TTPBGDPL đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong việc chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân thành phố. Từ sự nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp đã giảm hẳn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố./.
Bài và ảnh: Văn Trọng