Nông thôn mới ở Trực Nội- vẫn chuyện làm và hưởng

07:10, 04/10/2011

Biết phát huy sức mạnh nội lực nên từ một xã thuần nông, ngân sách hạn hẹp, Trực Nội, huyện Trực Ninh đang là điểm sáng của tỉnh Nam Định trong xây dựng nông thôn mới.

Trên con đường làng trải bê tông phẳng lì, rộng khoảng ba mét, dày cỡ 15cm đủ sức cho ô tô qua lại, bác Trương Minh Khắc - trưởng thôn Thái Lãng nói: “Con đường liên thôn do nhân dân đóng góp mới hoàn thành năm ngoái”.

Thuyết phục 1.280 khẩu đồng thuận làm đường, không phải là chuyện dễ.

Để thông suốt tư tưởng, bốn chi bộ trong thôn tổ chức họp bàn, ra nghị quyết,họp dân triển khai cụ thể từng bước. Bí thư chi bộ và trưởng thôn trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục. 100% hộ dân đồng tình, thống nhất phương án mỗi khẩu đóng góp 500 nghìn đồng làm đường, thực sự là một chuyển biến. Những hộ khó khăn được bà con xóm giềng san sẻ, hỗ trợ hoặc đóng góp thành nhiều lần. Toàn bộ quá trình thi công đều do trưởng thôn điều hành. Vậy là, chỉ sau một thời gian ngắn hơn 1.500 mét đường giao thông nông thôn kiên cố quanh thôn Thái Lãng đã hoàn thành.

Đường bê tông do người dân xã Trực Nội xây dựng.
Đường bê tông do người dân xã Trực Nội xây dựng.

Để có đất thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cũng với cách làm bài bản như trên, chính quyền xã Trực Nội thuyết phục nhân dân toàn xã hiến 190 nghìn mét vuông đất.

Số tài sản đó, nếu phải đền bù, tương đương khoảng 38 tỷ đồng- Quá lón cho ngân sách của một xã.

Ông Tô Đình Thức, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư tưởng để thay đổi nhận thức.

Ông nói “cách mạng nhận thức” là có lý của nó, bởi sau đúng một năm vận động, nhân dân bảy thôn đã đồng thuận cao vì họ hiểu ai là đối tượng được hưởng lợi!

Có đất, xã hoàn thiện xong toàn bộ quy hoạch tổng thể nông – lâm – ngư nghiệp, đất đai, giao thông, thuỷ lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. Trên diện tích đất quy hoạch đang mọc lên một nhà máy nước sạch rộng khoảng một ha và bãi chứa rác thải sinh hoạt cũng với diện tích tương tự.

Hai vấn đề: Nước sạch và rác thải ở nông thôn- những lo lắng trong quá trình phát triển, đô thị hóa đã nhìn thấy hướng giải quyết.

Để cơ cấu lại công cụ sản xuất là đất canh tác, Trực Nội tổ chức dồn điền đổi thửa, hình thành được bốn vùng chuyên canh sản xuất hai vụ lúa giống và trồng cây vụ đông xuất khẩu với tổng diện tích 80 ha cho giá trị 150 triệu đồng/ha/năm.

11 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp đã chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, bước đầu cho giá trị gấp 2,5 lần so với trồng lúa; xây dựng xong mười trang trại chăn nuôi, trong đó mô hình trang trại nuôi ba ba quy mô 2 ha dự kiến đến cuối năm cho thu nhập trên ba tỷ đồng.

Thành công trong huy động nhiều nguồn lực đóng góp đã giúp Trực Nội hoàn thành nhanh gọn, đồng bộ nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, nhà văn hoá, nghĩa trang liệt sỹ.

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết ngôi trường tiểu học xây dựng trên diện tích 6.500 mét vuông, trị giá 8,5 tỷ đồng là tiền do con em địa phương đang làm ăn xa đóng góp.

Cách đó không xa là đền thờ liệt sĩ trị giá 2,7 tỷ đồng. Tiền đó cũng từ tấm lòng của những người con xa quê hương đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc.

Đến nay xã làm mới được 6km đường giao thông nông thôn do nhân dân đóng góp trên 5 tỷ đồng. Đường đã tỏa khắp bảy thôn, được làm bằng bê tông có bề rộng từ 3m đến 5m, dày hơn 15cm, ô tô đi lại dễ dàng.

Sau hai năm khai xây dựng nông thôn mới, Trực Nội đã huy động được hơn 58 tỷ đồng mà không trông chờ, ỷ lại vào Ngân sách nhà nước. Đây là nền tảng vật chất giúp cho địa phương hoàn thành chín tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tăng tám tiêu chí so với trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới.

Mô hình Trực Nội đã gợi ý cho UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các địa phương khác xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của từng địa bàn theo phương châm: Xã lo xây dựng các công trình chính của xã; các thôn xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn xóm có sự hỗ trợ kinh phí của xã, các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ và ba công trình vệ sinh của gia đình.

Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới, hướng về cơ sở, lấy sức dân để lo cho dân, hướng đi đó vẫn mới mẻ, sống động trong cuộc vận động lớn ở nông thôn hiện nay.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com