Nhận diện các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp

01:10, 20/10/2011

Ngày 17-10, cuộc hội thảo công bố kết quả nghiên cứu khảo sát nhận diện các hành vi cản trở báo chí thuộc Dự án "Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED communication) thực hiện đã nhận định: dù Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý cho các phóng viên, nhà báo hoạt động tuy nhiên ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực... hiện tượng cản trở nhà báo hành nghề vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Muôn hình vạn trạng kiểu ngăn cản nhà báo tác nghiệp

Kết quả khảo sát của RED Communication năm 2011 cho thấy, 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học kể trên cho biết, đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, mà đa phần trong số đó là các nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhiều phóng sự "nóng” phản ánh về các vụ "xẻ thịt” rừng, khai thác khoáng sản trái phép... gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, đi kèm với điều này là tình trạng các tác giả bị đe dọa, tấn công thậm chí bị thương tật khá nặng bởi các đối tượng vi phạm. Nhiều vụ việc bê bối liên quan đến tài nguyên đất, đặc biệt là ở các địa phương, phóng viên còn vướng phải rào cản từ chính chính quyền các cấp.

Các nhà báo đang tác nghiệp.  Ảnh: Xuân thu
Các nhà báo đang tác nghiệp.
Ảnh: Xuân Thu

Theo ông Kim Quốc Hoa - Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, phóng viên tác nghiệp trong lĩnh vực đất đai cũng gặp rất nhiều rào cản. Ông Hoa cho biết, chính quyền một số địa phương ra sức để phân đất, chia lô nhằm tìm kiếm lợi nhuận hoặc thậm chí còn làm thuê cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc giải tỏa, cưỡng chế để có đất thực hiện dự án.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, trong quá trình phóng viên tác nghiệp, các cơ quan hoạch định chính sách ở Trung ương thường từ chối cung cấp thông tin cho nhà báo với lý do: Mới chỉ là dự thảo hoặc văn bản chưa chính thức, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau... Cơ quan nhà nước ở địa phương ngại tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là trước những vấn đề nhạy cảm. Khi phóng viên phản ánh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì cũng thường phải tự điều tra với nguồn thông tin ít, khó khăn về tìm kiếm chứng cứ... lại có thể gặp nhiều rủi ro.

Ước tính, 60-80% vụ việc tham nhũng là do báo chí phát hiện, hoặc thông qua báo chí để công khai, xử lý những hành vi tham nhũng. Nhưng không ít trường hợp thông tin báo chí bị các cơ quan chức năng "lơ đi” khiến thông tin trở nên vô tác dụng. Hoặc sử dụng những tác động "cửa sau” để ngăn chặn nhà báo công khai thông tin mình đã thu thập được.

Phóng viên tác nghiệp phải là người thi hành công vụ

Lý giải những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng: có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu nguyên nhân chủ quan thuộc lỗi của nhà báo khiến quá trình tác nghiệp bị ngăn cản là do người làm báo còn thiếu kỹ năng, gây khó chịu cho đối tượng hoặc... nhà báo có dụng ý xấu; hoặc không khách quan khi đặt vấn đề tác nghiệp... thì nguyên nhân khách quan nằm ở phía đối tượng gây cản trở. Ông Lợi chỉ ra có 6 đối tượng có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhiều nhất là từ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước sau đó là khối doanh nghiệp, rồi mới đến các đối tượng khác như: lưu manh, côn đồ, lâm tặc, buôn lậu...

Bàn sâu về những nguyên nhân gây cản trở nhà báo tác nghiệp, nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng, trong số các nguyên nhân gây cản trở nhà báo tác nghiệp còn có lý do khá quan trọng, đó là: chế tài xử lý hành chính nêu trong Nghị định của Chính phủ về xử lý các vi phạm trong Luật Báo chí đã không được áp dụng triệt để; trong khi chế tài về hình sự lại không phù hợp với thực tiễn. Ông Lợi tiếp tục đặt câu hỏi: Có cần thiết phải chờ đến khi phóng viên bị 11% thương tật mới xử lý hình sự kẻ xâm hại họ?

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 2006 đến hết quý I năm 2010, có 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên; trong đó, số vụ cản trở là 5, số vụ hành hung là 13 nhưng chỉ có 4 vụ được khởi tố. Tất cả các vụ khởi tố đều theo điều 104 (tội cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác mà không có một vụ việc nào được khởi tố theo điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Số liệu này đã phản ánh thực tế: số vụ xử lý bằng hình sự là rất ít. Nhóm khảo sát đề xuất cần xây dựng một tội riêng về cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp trên cơ sở giống tội cản trở người thi hành công vụ. Về xử lý hành chính, nhóm khảo sát cũng đề nghị cần xây dựng một thông tư hướng dẫn, làm rõ Nghị định 02 do Bộ TT và TT hoặc cơ quan chức năng tương đương ban hành và làm rõ 12 hành vi cản trở nhà báo đã được nhận diện. Ngoài ra, nhóm chuyên gia của dự án cũng đề nghị cần tăng cường vai trò của Hội Nhà báo trong bảo vệ quyền tác nghiệp của người làm báo; nâng cao tính khả dụng của đường dây nóng và cơ chế phản hồi nhanh mạnh mẽ trước những hành vi xâm phạm quyền tác nghiệp của nhà báo./.

Theo: daidoanket.vn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com