Nghĩa Phong triển khai hiệu quả công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới

08:10, 27/10/2011

Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) hiện có gần 2.300 hộ với 8.150 khẩu ở 15 đội sản xuất. Xã có 690ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 578ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm. Năm 2010, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha canh tác đạt 93,7 triệu đồng. Toàn xã có 3 Cty, 145 hộ kinh doanh - dịch vụ; các ngành nghề: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm và nghề may phát triển. Cơ cấu kinh tế của xã năm 2010: nông nghiệp 45%, CN-TTCN - dịch vụ - thương mại 55%. Bên cạnh đó, xã có tỉnh lộ 490C đi qua địa bàn, địa thế giao thông thuận tiện. Những năm qua KT-XH của xã luôn phát triển ổn định, an ninh xã hội được giữ vững. Đó là những lợi thế khi xã bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay xã Nghĩa Phong đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng; Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch xây dựng NTM đến năm 2020. Riêng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Thực tiễn, trong quá trình triển khai xây dựng NTM tại Nghĩa Phong, khó khăn nhất là khâu lập quy hoạch vì quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích trước mắt của nhân dân. Đồng chí Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để công tác quy hoạch có hiệu quả, ban quản lý xây dựng NTM xã tích cực tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch, chủ động thảo luận với các đơn vị tư vấn để tìm ra phương án quy hoạch tốt nhất; trong đó quy hoạch của xã phải gắn kết với quy hoạch của huyện, của tỉnh và khu vực đến năm 2020. Điều quan trọng là nhân dân phải được bàn và tham gia từ đầu về quy hoạch để tạo sự nhất trí trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng NTM. Người dân đã thảo luận từng việc, công trình nào làm trước, công trình nào làm sau cho phù hợp với nguồn lực của chính họ, của địa phương và hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, các hộ tự giác điều chỉnh nhà mình theo quy hoạch chung của xã, góp phần làm văn minh, sạch, đẹp làng, xã; người dân tự quyết định mức đóng góp các công trình công cộng của thôn, xã; cử đại diện để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, thì 2 nhóm công trình do nhân dân thực hiện và Nhà nước hỗ trợ có tổng giá trị hơn 41 tỷ đồng. Cụ thể là các nhóm công trình: Cải tạo, nâng cấp, làm mới hơn 16,6km đường bê tông trong khu dân cư của 15 thôn; mở rộng gần 40km các tuyến đường ra đồng; kiên cố hóa kênh mương trong khu dân cư... Để triển khai các nhóm công trình, 100% hộ gia đình ở Nghĩa Phong nhất trí, đồng thuận đóng góp kinh phí, ngày công, hoa màu, hiến đất với bình quân mức đóng góp toàn xã để xây dựng NTM là hơn 1 triệu 287 nghìn đồng/khẩu; diện tích nhân dân hiến đất làm đường giao thông, mương là 180.345m2, bình quân 11,5m2/sào. Đến tháng 10-2011, xã Nghĩa Phong đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm công trình: cứng hoá 2km kênh cấp III vùng vụ đông; cải tạo nâng cấp 2,9km đường trong khu dân cư; nâng cấp, mở rộng 3,5km đường ra đồng với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ 406 triệu đồng.

Xã Nghĩa Phong xác định là phát huy, khai thác tối đa nội lực trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; tích cực tranh thủ các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, để hoàn thành mục tiêu trở thành xã NTM vào năm 2015. Xã thúc đẩy phát triển sản xuất, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, y tế, trường học, chợ, nhà văn hoá, khu thể thao, thông tin liên lạc, nhà ở... được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Đến năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Phong quyết tâm đạt mục tiêu: thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập đạt 113 triệu đồng/ha; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 10%; 100% số dân sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 50%; đến năm 2013, có 2 thôn (4, 5) đạt 19 tiêu chí về NTM; 8 thôn đội còn lại sẽ hoàn thành tiêu chí NTM vào năm 2015. Cơ sở để Nghĩa Phong thực hiện thành công mục tiêu đề ra, chính là làm tốt công tác quy hoạch theo Đề án xây dựng NTM một cách khoa học, mang tính khả thi cao, trọng tâm là quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm tạo ra các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Quy hoạch ổn định đất cấy lúa đảm bảo an toàn lương thực và sản xuất lúa hàng hoá, vùng sản xuất vụ đông. Trong đó, lập quy hoạch vùng sản xuất lúa năng suất cao đảm bảo an ninh lương thực với tổng diện tích chiếm 57% diện tích đất nông nghiệp; vùng sản xuất lúa hàng hoá với 14,5% diện tích đất cấy lúa. Vùng sản xuất lúa mùa sớm để sản xuất vụ đông chiếm 19,5% diện tích cấy lúa; vùng chuyển đổi chiếm 9% diện tích cấy lúa. Đồng thời xã chú trọng quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, xã tập trung thực hiện các giải pháp: Tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, huy động các nguồn lực của địa phương tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hoá. Tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới, kết hợp với triển khai tập huấn kỹ thuật và đào tạo nghề cho nông dân. Lựa chọn các giống cây, con có năng suất, giá trị cao phù hợp với yêu cầu của thị trường. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng và phát huy các hình thức dịch vụ trên các lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp nông thôn, thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch và hướng dẫn sản xuất. Đổi mới công tác quản lý HTX theo Luật HTX; hỗ trợ HTX đào tạo cán bộ quản lý. Tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com