Lương eo hẹp, ăn ở tạm bợ
Năm 2008, chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Ý Yên xin vào làm việc tại một Cty may trong KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Nhà cách thành phố trên 30km nên chị thuê nhà trọ cùng với 3-4 chị em khác ở gần chỗ làm cho tiện việc đi lại. Phòng trọ chỉ rộng chừng 10m2, mái lợp ngói brô-xi-măng, ngày mưa thì dột tứ tung, ngày nắng thì nóng. Cả dãy thuê trọ có 8 phòng với trên 20 người nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh chung nên mỗi buổi sáng chị phải dậy thật sớm, nếu không sẽ phải xếp hàng rất dễ bị muộn giờ làm. Đó là tình cảnh chung của hầu hết công nhân nữ của các khu, CCN trên địa bàn Thành phố Nam Định. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chưa có ký túc xá dành cho công nhân. Nắm bắt được nhu cầu thuê trọ, những năm qua, nhiều người dân ở các xã ven Thành phố Nam Định đua nhau tận dụng đất vườn của gia đình xây nhà trọ cho thuê. Chỉ riêng tại thôn Vị Dương (xã Mỹ Xá) có 400 hộ dân đã xây phòng trọ cho công nhân thuê, hầu hết các phòng chỉ rộng từ 8-12m2, lợp ngói brô-xi-măng. Bác Thanh, chủ một khu nhà trọ cho biết, công nhân lương thấp, chỉ thuê những phòng nhỏ cho đỡ tiền, hơn nữa đây cũng chỉ là chỗ “ngả lưng” qua đêm thôi vì họ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về! Với mức lương bình quân chỉ 1,5-1,7 triệu đồng/tháng, người lao động có rất nhiều thứ phải chi tiêu như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, ăn uống…, vì vậy số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao. Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao khiến đời sống công nhân càng thêm khó khăn chật vật. Chị Thu than thở: “Biết làm công nhân là vất vả song về quê thì không có nghề, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng thì chẳng đủ sống. Em định làm vài năm kiếm chút vốn rồi về quê lấy chồng (!)”.
Không chỉ khó khăn, thiếu thốn về vật chất, đời sống tinh thần của nữ công nhân cũng rất nghèo nàn, hầu hết chị em sống trong cảnh “3 không”: không ti vi, không sách báo, không sinh hoạt tập thể. Áp lực công việc, thu nhập, đời sống khiến chị em không mấy quan tâm đến đời sống tinh thần. Với họ việc chơi thể thao hay đọc sách, báo, xem phim là những thứ xa xỉ (!). Hết giờ làm về, chị em chỉ quanh quẩn trong khu trọ, không có nơi vui chơi, giải trí trong khi hầu hết nữ công nhân tuổi đời còn rất trẻ, có nhiều nhu cầu giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Chị em hầu như không được tiếp cận với các thông tin kinh tế - xã hội mới cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vì vậy nhiều khi không đủ trình độ, hiểu biết để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong doanh nghiệp. Bởi vậy, không ít chủ doanh nghiệp ép công nhân làm tăng ca, tăng giờ, trốn tránh nộp BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Cần có sự quan tâm của các ngành chức năng
“Cường độ làm việc căng thẳng nhưng thu nhập không tương xứng”, đó là nhận định chung của nhiều nữ công nhân hiện đang làm việc tại các khu, CCN hiện nay. Để tăng thêm thu nhập, hầu hết chị em phải làm tăng ca, thêm giờ, mỗi tháng chỉ nghỉ 2 ngày chủ nhật để về thăm gia đình. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng, nhất là các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Hội Phụ nữ quan tâm, bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống cho lao động nữ. Tại xã Mỹ Xá (TP Nam Định), nơi có KCN Hòa Xá và CCN An Xá, có hàng nghìn công nhân hiện đang thuê trọ, trong đó trên 900 lao động là nữ. Nhận thấy đời sống tinh thần của chị em quá nghèo nàn, năm 2007, Hội LHPN xã đã đứng ra thành lập CLB “Nữ công nhân lao động KCN sinh hoạt Hội tại nơi thuê nhà trọ”. Đây là mô hình mới tạo điều kiện cho nữ công nhân có dịp được giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sau một ngày làm việc vất vả, tuy nhiên mỗi năm CLB cũng chỉ tổ chức sinh hoạt được một vài lần. Ở một vài khu, CCN vào những ngày lễ lớn cũng đã tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ cho công nhân nhưng những hoạt động này chưa được tổ chức thường xuyên. Mong muốn của hầu hết nữ công nhân lao động hiện nay là được quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, Ban quản lý các KCN của tỉnh cần phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi tạo sự gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Đặc biệt phần lớn lao động nữ tại các doanh nghiệp đều xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn, kỹ năng sống còn hạn chế, các cấp công đoàn cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ, nhận thức về pháp luật, về giới, kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Một tin vui đến với đội ngũ công nhân tại các KCN trong cả nước là đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó đến năm 2015, 100% địa phương có KCN hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, phấn đấu 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, 50% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các mục tiêu này sẽ tiếp tục được duy trì, củng cố và nâng cao qua các năm. Triển khai thực hiện Đề án chắc chắn trong những năm tới, đời sống tinh thần của công nhân lao động nói chung và lao động nữ nói riêng trong các KCN sẽ được cải thiện đáng kể./.