Lại nói về yếu tố văn hoá trong quảng cáo

02:10, 13/10/2011
Nhiều hình thức quảng cáo phản cảm ở Thành phố Nam Định làm mất mỹ quan đô thị.
Nhiều hình thức quảng cáo phản cảm ở Thành phố Nam Định làm mất mỹ quan đô thị.

Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là một yếu tố không thể thiếu giúp các doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm qua việc giúp người tiêu dùng thấy được lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Tuy nhiên, văn hoá trong quảng cáo hiện nay chưa thực sự được chú trọng và đang là một trong những vấn đề gây bức xúc không chỉ trong nhân dân mà cả các cơ quan quản lý văn hoá. Trên các kênh truyền hình, hầu như chương trình nào cũng chen quảng cáo, nhất là các chương trình phim truyện “giờ vàng”, ca nhạc, trò chơi có thưởng. Có bộ phim chỉ kéo dài khoảng 45 phút nhưng tổng thời gian quảng cáo chiếm tới 1/3 thời lượng. Điều đáng nói là, nhiều quảng cáo không chỉ phản cảm về mặt hình ảnh mà còn tuỳ tiện trong việc sử dụng từ ngữ. Ví dụ như: Quảng cáo điện thoại siêu mỏng minh hoạ bằng hình ảnh đôi nam nữ thanh niên dùng điện thoại “chém” nhau khiến cho quần áo rụng tơi tả. Quảng cáo nước xịt phòng, người khách đến chơi thấy nhà bạn thơm quá liền bảo “Mình dọn qua đây ở chung nhé!”. Mới đây, một hoa hậu Việt Nam cũng bị chỉ trích gay gắt khi đóng phim quảng cáo cho hãng dầu gội Rejoyce đã trả lời câu hỏi của mẹ chồng tương lai: “Tóc đẹp thế, cháu hấp dầu ở tiệm nào vậy?”: “Không, chỉ là Rejoyce thôi!”. Ấy là chưa kể đến những quảng cáo phát vào những thời điểm rất “vô duyên”, quảng cáo nước tẩy rửa bồn cầu, băng vệ sinh, thuốc tẩy giun sán… vào thời điểm nhiều gia đình đang quây quần bên mâm cơm.

Để quảng cáo hiệu quả thì phải gây ấn tượng, song gây ấn tượng mà bất chấp yếu tố văn hoá thì không thể chấp nhận. Ở trên đường phố cũng không hiếm gặp những hình thức quảng cáo làm mất đi vẻ đẹp mỹ quan đô thị. Hầu như khắp các bức tường, cột điện, gốc cây ở Thành phố Nam Định đều xuất hiện những mẩu rao vặt: từ khoan cắt bê tông, thông hút bể phốt, rơi giấy tờ đến bán nhà, sửa chữa ti vi, nồi cơm điện… Nhiều cột điện trông nham nhở vì quảng cáo mới dán đè lên quảng cáo cũ. Các bảng hiệu quảng cáo với kích thước, nội dung ghi do các cửa hàng mạnh ai nấy treo, tô vẽ, tạo nên cảnh đua chen, lộn xộn. Gần đây rộ lên hình thức quảng cáo theo kiểu phát tờ rơi, nhân viên đứng ở ngã ba, ngã tư đường phố, khi có đèn đỏ, mọi người dừng xe là chạy ào ra, ném vào giỏ xe hoặc dúi vào tay một tờ quảng cáo, có người nhận, có người quẳng luôn xuống đường khiến cho giao thông đô thị, vệ sinh môi trường không đảm bảo an toàn, văn minh.

Văn hoá quảng cáo là một phần của văn hoá kinh doanh. Quảng cáo không chỉ là phương tiện giới thiệu sản phẩm mà còn là kênh truyền tải thông tin về hình ảnh, con người của một quốc gia tới bạn bè quốc tế. Những biểu hiện của quảng cáo qua màu sắc, đường nét, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu, ngôn ngữ… nếu không có tính giáo dục, không chú trọng đến yếu tố văn hoá dân tộc, chỉ “chăm chăm” tìm cách gây sốc, gây ấn tượng thì sẽ tạo phản ứng ngược, tác dụng ngược.

Để văn hoá quảng cáo không còn là vấn đề gây bức xúc cho dư luận và các nhà quản lý văn hoá có chế tài xử phạt những quảng cáo phản cảm đủ mạnh hơn, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-9-2011, các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Quảng cáo thay cho Pháp lệnh Quảng cáo hiện hành. Bởi Pháp lệnh Quảng cáo chưa quy định một số hành vi cấm quảng cáo như: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động, lời nói trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em; quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi, dán, vẽ sản phẩm nơi công cộng không theo quy định… Một số quy định của Pháp lệnh Quảng cáo cũng không còn phù hợp, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. Tới đây, khi Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục những hạn chế của tình trạng “loạn” quảng cáo hiện nay, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com