Cán bộ chuyên trách dân số xã Tân Khánh (Vụ Bản) phát tài liệu tuyên truyền cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ tại chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt II năm 2011. |
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, chất lượng dân số ở tỉnh ta đã được nâng lên. Tuy nhiên, các yếu tố về thể lực, nhất là chiều cao, cân nặng, sức bền còn hạn chế. Số trẻ em bị tàn tật, dị tật, mắc các bệnh bẩm sinh về trí lực vẫn còn nhiều. Trước thực tế đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2006-2010, ngày 13-9-2006, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân”. Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng này trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, về quan hệ tình dục và cách phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sau khi triển khai thí điểm ở xã Đại Thắng và Thị trấn Gôi (Vụ Bản), đề án đã được thực hiện tại 37 xã của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua các hoạt động cụ thể như: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn và khám sức khoẻ cho đối tượng, cấp phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về tuổi vị thành niên, sinh hoạt CLB…, đề án đã cung cấp cho giới trẻ những kiến thức để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, chăm lo, bảo vệ hạnh phúc gia đình và chăm sóc con cái sau này. Thực tế tại những nơi triển khai đề án, nam nữ thanh niên đã nâng cao nhận thức và ý thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản như: không quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, thực hiện tình dục an toàn, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tỷ lệ phá thai trong nữ vị thành niên, thanh niên… Tiêu biểu như lớp học tiền hôn nhân ở xã Hải Lý (Hải Hậu) thường xuyên thu hút trên 90% thanh niên trong độ tuổi tham gia. Thông qua lớp học, khi đề cập đến vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, sức khoẻ sinh sản…, thanh niên, vị thành niên ở địa phương không còn né tránh như trước mà sẵn sàng tham gia thảo luận. “Đề án kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân” cũng tạo điều kiện cho thanh niên kiểm tra sức khoẻ trước khi đăng ký kết hôn, kịp thời phát hiện các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, bệnh do nhiễm chất độc hoá học, tư vấn giúp đỡ họ hiểu biết và có sự can thiệp sớm để hạn chế ảnh hưởng của bệnh tật đối với việc sinh con.
Nâng cao chất lượng dân số còn là việc bảo đảm trẻ em sinh ra được khoẻ mạnh. Để làm được điều này, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc bà mẹ trước, sau khi sinh và sinh đẻ an toàn nhằm giảm bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em, đảm bảo dinh dưỡng của các bà mẹ, trẻ em…, tỉnh ta đã triển khai đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”. Trong giai đoạn 2007-2010, đề án được triển khai tại 62 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố với nội dung: Tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân, nhất là các thai phụ có nguy cơ cao (35 tuổi trở lên mới mang thai, tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường độc hại, có tiền sử thai bất thường, xảy thai nhiều lần…) đến khám và thực hiện sàng lọc trước sinh; tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai sắp sinh và gia đình sàng lọc sơ sinh cho trẻ mới sinh để phát hiện và kịp thời điều trị các bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh… Ngoài ra, đề án còn cung cấp đầy đủ và đáp ứng kịp thời các phương tiện, điều kiện để đảm bảo việc thực hiện lấy máu gót chân trẻ sơ sinh đúng thời gian quy định. Tại các xã, phường, thị trấn trong diện thực hiện đề án, các cơ sở y tế đã lấy được 4.293 mẫu máu gửi về Bệnh viện Phụ sản Trung ương, qua đó phát hiện 149 ca có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và báo cho gia đình. Đến hết năm 2010, đã có 1.103 lượt thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh, phát hiện 26 trường hợp thiếu men G6PD và thiếu TSH. Một số trường hợp trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên đã được điều trị kịp thời tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thực tế cho thấy, chất lượng dân số không chỉ liên quan đến các yếu tố như gien di truyền, giáo dục, văn hoá, phong tục tập quán, xã hội, kinh tế mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố môi trường sống. Với đặc thù của một tỉnh có số đông dân sống ở vùng ven biển (khoảng 35,5% dân số toàn tỉnh, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn 128 nghìn người), tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục cao do đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc khi mang thai làm việc trong môi trường biển ngập mặn chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa các yếu tố chứa nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng thai nhi. Do vậy, số trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ nhiều. Để nâng cao chất lượng dân số vùng biển, từ năm 2009, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã triển khai đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định đến năm 2020” tại 54 xã của 3 huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đề án tập trung vào các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ là ngư dân, người sống ở các khu vực đầm, bãi… Các đơn vị Bộ đội Biên phòng tại 3 huyện trong vùng hưởng lợi của đề án đã phối hợp với Hội Phụ nữ các xã duy trì tốt hoạt động của 18 CLB Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển, tuyên truyền hàng trăm buổi về cách phòng tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch, nạo hút thai an toàn…; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Việc triển khai đề án không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các đối tượng còn được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, dịch vụ y tế; nhờ đó cải thiện được sức khoẻ, phòng chống lây nhiễm HIV và các tệ nạn xã hội khác…
Từ hiệu quả của các mô hình, đề án cải thiện chất lượng dân số giai đoạn vừa qua cho thấy, các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cần được tiếp tục mở rộng, đặc biệt là ở các địa phương còn khó khăn, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ còn thiếu và yếu. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng dân số, giảm số lượng trẻ sơ sinh có dị tật dị dạng, giảm gánh nặng về chi phí để chăm sóc người tàn tật, đồng thời tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.