Vướng mặt bằng trên chiều dài khoảng 20m, đoạn đường đôi Trần Bích San (TP Nam Định) chưa thể thông tuyến. |
Thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị, đầu tháng 10 vừa qua, Thành phố Nam Định đã phải tổ chức “bảo vệ thi công” tại khu vực đường nhánh B4 khu vực nút giao cầu vượt Lộc An, cửa ngõ phía tây thành phố. Đây là nhánh đường của nút giao thông cầu vượt đường sắt nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường S2 nối quốc lộ 10 và quốc lộ 21. Sau một số lần phải đề nghị Bộ GTVT gia hạn hợp đồng vì việc thi công kéo dài do chậm GPMB, cuối cùng ban quản lý dự án và nhà thầu phải thi công kết thúc dự án trên phần mặt bằng đã giải tỏa, phần còn lại bàn giao cho địa phương. Cuối năm 2005 dự án đã phải khánh thành thông xe trong khi phần nút giao thông Lộc An còn một số hạng mục phải để lại trong đó có nhánh B4. Không những công trình dở dang làm cửa ngõ phía tây thành phố nhiều năm liền lộn xộn, nhôm nhoam, mà tỉnh và Thành phố Nam Định trong điều kiện có rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng cần vốn đầu tư xây dựng vẫn phải đầu tư tiền tỷ để hoàn thiện hạ tầng khu vực này. Chưa hết, cứ mỗi khi trời mưa đoạn đường này lại ngập nước, cơ quan quản lý mặc dù đã nhiều lần xử lý sửa chữa song tình trạng ngập nước vẫn không cải thiện được là bao, vừa bất tiện, vừa nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua lại đây vào trời mưa. Cũng tại cầu Nam Định vượt đường sắt trên tuyến này, sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng mố cầu phía Nam Định đã bị lún nghiêm trọng, tháng 7 vừa qua phải dành tiền tỷ cho sửa chữa sau khi đã một lần phải bù lún khi phần đường dẫn và cầu chính chênh lệch nhau tới cả gang tay. Vị trí phải sửa này chính là một trong những vị trí mặt bằng trước đây bị trì hoãn kéo dài trong khi yêu cầu tiến độ công trình đã quá cấp bách. Một ví dụ điển hình khác là dự án quốc lộ 21. Từ khi dự án chính thức triển khai GPMB để thi công, ròng rã 4-5 năm, sau không biết bao nhiêu cuộc họp công tác GPMB cho dự án mới cơ bản hoàn thành. Thậm chí dự án chỉ tiến hành khởi công khi đã có 80% mặt bằng “sạch”, thế nhưng chỉ 20% mặt bằng còn lại chưa được giải tỏa cũng phải mất vài năm, khiến dự án phải hai, ba lần xin gia hạn hợp đồng. Khởi công từ cuối năm 2007, đến nay toàn tuyến vẫn chưa thể khánh thành, đoạn Thành phố Nam Định - Lạc Quần vẫn còn một số hạng mục công trình đang thi công. Khó để tính hết được những thiệt hại cả về kinh tế, xã hội do sự chậm trễ này. Nếu tạm lấy giá vàng làm căn cứ, thì các hộ cố tình chây ỳ để thêm tiền bồi thường thì phần gia tăng cũng chẳng được là bao trong khi cuộc sống bị đảo lộn, bất ổn trong mấy năm, ảnh hưởng đến cả các hộ dân khác cùng trên tuyến. Trong khi nhiều hộ dân khác chấp hành sớm đã nhận tiền, xây sửa nhà khang trang đẹp đẽ, ổn định và có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hàng chục cuộc họp, kiểm tra hiện trường của Trung ương, của tỉnh phải tổ chức để đôn đốc, giải quyết vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhà thầu tuy không thể thi công nhưng vẫn phải chi phí hàng trăm triệu đồng cho ban điều hành dự án cùng với thiết bị máy móc “nằm ngủ” tại công trường. Đã vậy, có khi nhà thầu phải điều máy đi công trường khác bảo đảm công suất khai thác thiết bị, đến khi có mặt bằng lại không đưa máy về kịp. Chưa kể đến tình trạng gia tăng TNGT do đường xấu, nỗi khổ sở của người tham gia giao thông trên tuyến đường này suốt hơn hai năm trời, tốc độ giao thông trì trệ… Và rất nhiều cơ hội hợp tác đầu tư bị tuột mất khi các nhà đầu tư chứng kiến tình trạng giao thông như thế. Đúng là “Thiệt đơn, thiệt kép” vì sự chậm trễ này!
Tỉnh ta đang và sẽ có rất nhiều công trình lớn trên các lĩnh vực kinh tế xã hội phải đầu tư xây dựng để có thể cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao điều kiện sống tốt hơn cho người dân, hoàn thành xây dựng nông thôn mới cũng như mục tiêu CNH-HĐH quê hương. Đồng nghĩa với việc sẽ còn nhiều công trình cần GPMB. Để không còn tình trạng chậm trễ nêu trên, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp: làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, công khai minh bạch; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ tham gia làm công tác GPMB để hạn chế tối đa các trường hợp phải điều chỉnh do sai sót chủ quan; kịp thời phát hiện và kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định, văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Kiên quyết cưỡng chế GPMB khi đã vận dụng đầy đủ chế độ chính sách để bảo đảm tính răn đe, hiệu lực quản lý nhà nước. Về phía người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, nghiên cứu nắm chắc chế độ chính sách liên quan, nghiêm chỉnh chấp hành, không để bị lôi kéo, kích động vào các việc làm, đòi hỏi vô lý vừa thiệt hại cho gia đình, vừa tổn hại đến lợi ích chung./.
Bài và ảnh: Vân Thi