Dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên nông dân

09:09, 09/09/2011

Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và trực tiếp triển khai dạy nghề cho hội viên nông dân. Tính đến tháng 8-2011, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) đã tổ chức 17 lớp học nghề cho nông dân; trong đó, năm 2010 tổ chức được 11 lớp cho gần 330 hội viên với những nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng hoa cây cảnh; nuôi trồng thủy sản; đan bẹ chuối, cói, bèo tây xuất khẩu; may công nghiệp.

Gia đình anh Phạm Văn Duy ở xóm Long Hưng, xã Nam Thanh (Nam Trực) có hoàn cảnh khó khăn: anh Duy bị tai nạn mù cả 2 mắt với thương tật 73%. Tháng 9-2010, được sự giúp đỡ của HND xã, chị Đặng Thị Nhài, vợ anh Duy được tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tổ chức. Sau thời gian 3 tháng học lý thuyết kết hợp thực hành, chị tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của HND và Hội Phụ nữ trong việc tạo điều kiện vay vốn để phát triển chăn nuôi. Với kinh nghiệm và kiến thức đã được học, chị đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Hiện nay, trong chuồng của gia đình chị luôn nuôi từ 12-15 con lợn và 30-50 con gà. Từ đầu năm đến nay, chị đã xuất bán được 1 tấn lợn thịt, với giá bình quân 55 nghìn đồng/kg. Gia đình chị bước đầu đã có thu nhập ổn định.

Dạy nghề may công nghiệp cho hội viên nông dân xã Giao Châu (Giao Thủy).
Dạy nghề may công nghiệp cho hội viên nông dân xã Giao Châu (Giao Thủy).

Chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Bình Hòa (Giao Thuỷ) cùng 30 chị, em trong xã tham gia một lớp học nghề, được hỗ trợ ăn, đi lại và học phí theo Đề án 1956. Sau 3 tháng học nghề, chị đã thạo nghề và nhận làm hàng cho doanh nghiệp Cao Cường, xã Trực Tuấn (Trực Ninh). Hiện nay, mỗi tháng, chị Tuyết có nguồn thu từ 800 đến 1 triệu đồng...

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp đã được đào tạo nghề do HND các cấp đảm nhận từ khâu chọn nghề, tuyển sinh và sau học nghề đã liên hệ với doanh nghiệp tạo việc làm cho hội viên. Ở 2 lớp dạy nghề trồng, chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, cây thế với 60 học viên tại các xã Trực Thắng, Trực Đại, Trực Thái (Trực Ninh), hầu hết các học viên là những người đang trồng cây cảnh, cây thế. Sau 1 năm đào tạo, 100% học viên đã áp dụng các kiến thức được học vào thực tế tại vườn cây của gia đình và đã đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập. Còn trong số 115 học viên của 4 lớp học chăn nuôi gia súc, gia cầm, có 60 học viên thuộc diện hộ nghèo, 6 học viên thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công. Hầu hết học viên tham gia lớp học là các hộ chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại trên địa bàn của các xã, thị trấn: Cát Thành (Trực Ninh), Giao Hà (Giao Thủy), Yên Trung (Ý Yên), Nam Thanh (Nam Trực). Sau khi học, đã có 80% học viên đã đem kiến thức được học áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với 4 lớp đan bẹ chuối, bèo tây đã đào tạo được 120 học viên của các xã: Bình Hoà (Giao Thuỷ), Nam Thái, Nam Lợi (Nam Trực), Trực Mỹ, Trực Tuấn (Trực Ninh), trong đó 30 học viên thuộc diện hộ nghèo. Sau đào tạo, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp Cao Cường, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay có 85% học viên có việc làm, thu nhập bình quân 20.000-30.000 đồng/ngày. Các sản phẩm của bà con nông dân được doanh nghiệp chấp nhận, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Lớp may công nghiệp đã đào tạo được 30 học viên là nông dân của xã Minh Thuận (Vụ Bản). Sau đào tạo 100% học viên được nhận vào may tại cơ sở may Thanh Thuý, chuyên sản xuất hàng may xuất khẩu.

Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Các lớp dạy nghề dưới 3 tháng, có tới 80% học viên được tạo việc làm, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Từ thực tiễn triển khai thực hiện, Trung tâm bước đầu rút ra kinh nghiệm: Trước hết, phải khảo sát để lựa chọn nghề, địa điểm phù hợp với người học. Bên cạnh đó cần lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp với trình độ, khả năng, điều kiện của người học, đồng thời, phải tạo được việc làm cho nông dân sau khi học nghề./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com