Tỉnh ta có trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, trong đó lực lượng lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động xã hội. Do thiếu việc làm nên vào thời gian nông nhàn, hàng nghìn phụ nữ thường rời quê lên các thành phố lớn kiếm việc làm. Ở nơi “đất khách”, để có thêm thu nhập, chị em không chỉ đánh đổi mồ hôi và nước mắt mà còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các TNXH. Trước thực trạng này, những năm qua các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương.
Dạy nghề thêu ren cho phụ nữ ở cơ sở thêu ren của chị Đoàn Thị Tâm, Chi hội 11, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng). |
Chúng tôi về xã Trung Thành, một trong 5 xã được huyện Vụ Bản chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Hiện nay, toàn xã có khoảng 3.070 người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động nông nghiệp chiếm trên 65%. Trong Đề án xây dựng nông thôn mới của xã đặt ra tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động: số lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của xã đến năm 2015 giảm xuống còn 35%, tương ứng với gần 1.000 lao động phải chuyển đổi ngành nghề. Đây là một trong những tiêu chí được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Trung Thành xác định là khó khăn nhất. Nhằm hỗ trợ địa phương giải quyết vấn đề việc làm cho lao động lúc nông nhàn, góp phần thực hiện chỉ tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức 1 lớp may công nghiệp cho 30 lao động nông thôn tại xã Trung Thành. Sau 3 tháng được học nghề miễn phí, 100% học viên đã có nghề và được nhận vào làm tại doanh nghiệp ở địa phương.
Bám sát chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề cho lao động nông thôn cũng như chỉ tiêu đào tạo nghề thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh, hằng năm, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB và XH xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hoạt động dạy nghề hướng vào mục tiêu mở rộng, đa dạng hoá ngành nghề cho mọi đối tượng lao động, trong đó ưu tiên lao động nữ, góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, Trung tâm thường xuyên liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các Cty, xí nghiệp, các trung tâm dạy nghề các huyện để tiến hành đào tạo theo địa chỉ. Tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh đã tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập các cơ sở dạy nghề đầu mối, trong đó phát huy hiệu quả là các cơ sở dạy nghề may công nghiệp ở các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh… Đối với các cơ sở này, thời gian đầu, Hội LHPN tỉnh đầu tư 500 máy may công nghiệp đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống giúp cơ sở chiêu sinh mở lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên… Đến nay nhiều cơ sở đã được mở rộng và phát triển như cơ sở Khánh Loan, xã Trực Phú (Trực Ninh), cơ sở Minh Vuông, xã Xuân Trung (Xuân Trường), doanh nghiệp Thu Hà, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản)… tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động, đồng thời giúp hàng nghìn chị có tay nghề tìm được việc làm tại các Cty, xí nghiệp… Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cấp cơ sở còn chủ động tìm kiếm, mở mang ngành nghề mới cho phụ nữ tập trung vào một số nghề có xu hướng phát triển như nghề thêu ren, mây tre đan, móc hộp sợi xuất khẩu, tin học, giúp việc gia đình… Các hình thức đào tạo nghề cũng linh hoạt, người có nghề dạy người chưa có nghề, chị em trong các chi hội tự truyền nghề cho nhau từ đó hình thành nên các làng nghề, xã nghề, tạo cơ hội có việc làm ổn định tại chỗ cho hàng nghìn lao động nữ ở nông thôn; trong đó công tác dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách, người tàn tật, phụ nữ nghèo được quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có trên 13 nghìn chị được đào tạo nghề thông qua các kênh của Hội Phụ nữ. Riêng năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH mở 22 lớp dạy các nghề may công nghiệp, móc túi sợi, thêu thảm, thêu ren cho 655 lao động nông thôn ở các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Vụ Bản; đào tạo nghề cho 60 lao động thuộc hộ nghèo tại các xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), Trung Đông (Trực Ninh), 20 lao động là người tàn tật tại xã Yên Trị (Ý Yên).
Đi đôi với hoạt động dạy nghề, Hội Phụ nữ còn đứng ra làm cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm giữa người lao động và các đơn vị tuyển dụng lao động. Từ năm 2006 đến nay các cấp Hội đã tư vấn, giới thiệu trên 8.000 lao động vào làm tại các Cty, xí nghiệp trong tỉnh và đi xuất khẩu lao động; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 3.000 lượt phụ nữ ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giúp chị em nâng cao kiến thức cũng như cải thiện đời sống kinh tế, địa vị xã hội cho phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, các chương trình, dự án của nước ngoài nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như dự án tín dụng Việt Bỉ, dự án Quỹ tình thương, Quỹ quay vòng của Ngân hàng thế giới... Tính đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang quản lý và điều hành trên 1.059 tỷ đồng vốn, hỗ trợ cho 119 nghìn hộ vay, trong đó số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn là 15.031 hộ, trên 6.000 hộ đã thoát nghèo. Công tác dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của Hội Phụ nữ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 42%./.
Bài và ảnh: Hoàng Hoài Phương