Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khai giảng là dư luận lại bức xúc về chuyện lạm thu trong hầu hết các cấp học, trường học. Lạm thu là tình trạng thu quá mức quy định những khoản thu “chính danh” và thêm nhiều khoản thu ngoài quy định. Nhiều trường học, nhất là vùng đô thị, khoản lạm thu này cao gấp hàng chục lần các khoản thu “chính danh”, thực sự trở thành một gánh nặng tâm lý và tài chính đối với các gia đình có con em đi học.
Thực chất của hiện tượng lạm thu trên đây là một dạng tiêu cực, tham nhũng được công khai hóa dưới danh nghĩa “thỏa thuận”, “tự nguyện”. Hiện tượng này tồn tại đã lâu, biến tướng ngày càng phức tạp. Chịu trách nhiệm chính trong vấn nạn này là hiệu trưởng các trường và cơ quan quản lý trực tiếp là phòng GD và ĐT cấp quận, huyện. Cùng đó là các hội cha mẹ học sinh vì nhiều lý do khách quan và chủ quan đã vô hình trung trở thành những người tiếp tay hành vi lạm thu. Vấn đề này cả xã hội đều biết, lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục đều biết nhưng lâu nay tỏ ra bất lực do thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết và triệt để.
Không chỉ là gánh nặng tâm lý và tài chính cho các gia đình có con em đi học, vấn nạn lạm thu còn là một trong những tác nhân trực tiếp của tình trạng "thương mại hóa" giáo dục đáng báo động hiện nay. Lạm thu góp phần làm méo mó nền giáo dục và liên quan đến những hiện tượng tiêu cực học đường đang khiến xã hội hết sức quan tâm, lo ngại. Vì vậy, chấn chỉnh tình trạng lạm thu là một trong những việc “cần làm ngay” trong công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà hiện nay.
Năm học 2011-2012 được ngành GD và ĐT chọn làm năm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Cùng với những biện pháp chuyên môn và tổ chức, vừa qua Bộ GD và ĐT và Sở GD và ĐT các địa phương đã có các văn bản nghiêm cấm tình trạng lạm thu và hướng dẫn cụ thể các khoản thu theo quy định. Dư luận hết sức đồng tình và hoan nghênh những động thái trên đây của ngành giáo dục. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, đi đôi với chủ trương và quyết tâm, ngành cũng cần có biện pháp xử lý kiên quyết, mạnh mẽ với những sai phạm. Nên chăng cần làm “điểm”, xử lý kỷ luật thích đáng một vài vụ lạm thu “tiêu biểu” để rút kinh nghiệm đẩy mạnh cuộc đấu tranh với vấn nạn này. Còn nếu chỉ hô hào, phê phán chung chung như lâu nay thì e rằng lại “hòa cả làng”, đâu vẫn vào đấy…
Theo: qdnd.vn