Tình trạng đổ rác, vật liệu xây dựng bừa ở lòng đường, phóng nhanh vượt ẩu, bấm còi, rú ga ầm ĩ, dàn hàng ngang, chở cồng kềnh trên đường, vừa đi vừa "buôn" điện thoại, ăn mặc thiếu lịch sự khi ra đường, không chấp hành các tín hiệu, biển báo giao thông… đã trở thành chuyện thường ngày trên các tuyến đường ở Thành phố Nam Định cũng như ở các vùng quê trong tỉnh. Có thời điểm, người đi đường phải hốt hoảng nép sát vào bên lề khi một bộ phận giới trẻ thích "thể hiện mình" bằng cách lắp thêm hoặc thay các loại còi sai với thiết kế của xe máy, tạo ra những âm thanh kinh dị, chói tai. Khi chẳng may xảy ra va chạm, ngay lập tức cả đám đông xúm lại, nhẹ thì cãi vã, chửi bới, nặng thì "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau, gây ùn tắc mất an toàn giao thông… Những hành vi trên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông với những hậu quả nghiêm trọng mà còn cảnh báo về văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông.
Trong khi rất nhiều người dừng trước đèn đỏ, người phụ nữ này vẫn cố tình vượt lên, dừng ở phần đường dành cho người đi bộ. (ảnh chụp tại ngã tư đường Trường Chinh - Mạc Thị Bưởi). |
Văn hóa giao thông là cách xử sự, thái độ của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đối với các quy định của pháp luật về giao thông. Thực tế phần đông người tham gia giao thông đều có ý thức tự giác, chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT và tôn trọng mình, tôn trọng mọi người, ứng xử văn minh lịch sự khi tham gia giao thông. Chẳng hạn như khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng biết ưu tiên, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ, người đau yếu, tàn tật… Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông dù nhiều vấn đề không có quy định cụ thể nhưng là biểu hiện của mặt bằng dân trí, thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân. Nếu được quan tâm, thực hiện tốt, văn hóa giao thông sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Chính vì lẽ đó, những năm qua, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông được phát động sâu rộng trong cả nước. Xây dựng văn hóa giao thông là vấn đề cấp bách, mang tính xã hội rộng lớn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sinh mệnh của tất cả mọi người. Để thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa giao thông, trước hết cần có sự đóng góp bằng hành vi tích cực từ phía người dân. Người dân có quyền giám sát, khiếu nại, tố cáo việc thực thi sai pháp luật của các cơ quan công quyền. Đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT khi xử lý các trường hợp vi phạm cũng cần có thái độ đúng mực, nghiêm túc. Không ít lần chúng tôi đã chứng kiến cảnh những chiếc xe cảnh sát khi đi dẹp trật tự ở các khu vực người dân bán hàng dưới lòng đường đã hất đổ tung tóe những rổ rau, thúng bún của người lao động hoặc giằng co với họ để lấy chiếc ghế, cái cân vứt lên xe thùng…, làm mất hình ảnh đẹp về người thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Để xây dựng văn hóa giao thông, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm đến người tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, cần phát huy tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông cần gắn với xây dựng nếp sống văn minh bởi cái đích cuối cùng của văn hóa giao thông là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông, từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Cần giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, các khu dân cư, trường học, có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp giao thông, vận tải hành khách. Ở tỉnh ta thời gian qua, cùng với việc làm mới, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, giúp cho việc đi lại thuận lợi, việc xây dựng văn hóa giao thông cũng được đặc biệt coi trọng. Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với ngành GD và ĐT đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện pháp luật trong nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú. Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" được duy trì tốt đã phần nào hạn chế tình trạng phụ huynh đi đón con em đứng tràn lan dưới lòng đường và nguy cơ tai nạn cho các em. Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã mở các lớp học và thi nhận giấy phép lái xe hạng A1 cho sinh viên, như trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Cao đẳng Công nghiệp, Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, Cao đẳng Xây dựng… Tỉnh Đoàn đã tổ chức thành công hội thi "Thanh niên với văn hóa giao thông" với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Hội thi nhận được sự cổ vũ của đông đảo ĐVTN, góp phần tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông cho thanh niên. Trong "Tháng Thanh niên" và "Tháng An toàn giao thông", Đoàn TN các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, thành lập các đội sinh viên tình nguyện, hoạt động tại các chốt gác giao thông trên địa bàn thành phố trong những giờ cao điểm. Ngoài ĐVTN, các lực lượng khác như: Người cao tuổi, Phụ nữ, Cựu chiến binh cũng tích cực tham gia giữ gìn TTATGT. Mới đây, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai, tập huấn các thông tư mới của Bộ Công an và các chuyên đề nghiệp vụ CSGT đường bộ, đường sắt cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt và các lực lượng chức năng có liên quan. Thông qua lớp tập huấn với các chuyên đề như: công tác tham mưu và việc xây dựng văn hóa ứng xử trong giao tiếp của CSGT trong khi làm nhiệm vụ; công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATGT đường sắt, đường bộ; quy định về việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia bảo đảm an toàn giao thông… sẽ tạo sự chuyển biến mới trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về việc đảm bảo trật tự ATGT, hình thành những nét đẹp văn hóa giao thông./.
Bài và ảnh: Lam Hồng