Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững, góp phần cho doanh nghiệp ổn định và phát triển

08:09, 14/09/2011

Mối quan hệ “3 bên” trong quan hệ lao động bao gồm Nhà nước, chủ sử dụng lao động và người lao động. Ở tỉnh ta, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các thành phần kinh tế, quan hệ lao động ngày càng đa dạng, trong đó thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thu hút ngày càng đông lực lượng lao động. Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng nảy sinh những vấn đề trong quan hệ lao động, việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là những quy định về chế độ chính sách đối với người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động… còn hạn chế. Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ sử dụng lao động ngoài việc chú trọng việc nghiên cứu, thực hiện pháp luật lao động Việt Nam nhằm tránh vi phạm Bộ luật Lao động, một số doanh nghiệp còn lợi dụng những quy định chưa đồng bộ trong pháp luật lao động để “lách luật”. Trong khi đó, người lao động vì nhu cầu cuộc sống bức bách, lại không có thói quen trang bị kiến thức pháp luật lao động để tự bảo vệ nên nhiều khi “quên” đi quyền lợi của mình. Tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động là công đoàn cơ sở; ở một số doanh nghiệp có thành lập tổ chức công đoàn nhưng năng lực hoạt động còn hạn chế nên việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động còn bị bó buộc. Hằng năm, hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của cơ quan chức năng ở các doanh nghiệp vẫn được tiến hành, tuy nhiên, mỗi năm chỉ kiểm tra được 70-80 doanh nghiệp thì với gần 4.000 doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh phải nhiều năm mới có thể quay vòng, chưa tính số doanh nghiệp phát sinh mới. Trong khi đó, với cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp, việc thành lập doanh nghiệp được tạo thuận lợi về thủ tục, thậm chí nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có điều kiện bắt buộc nhưng việc kiểm tra, thẩm định điều kiện chưa được quan tâm đúng mức; dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật không rõ cấp nào, ngành nào xử lý. Theo kết quả kiểm tra liên ngành do Sở LĐ-TB và XH chủ trì, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp được kiểm tra đều vi phạm pháp luật về lao động như: thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, tiền làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ, ngày lễ, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, không thành lập hội đồng hòa giải lao động ở cơ sở, không chấp hành chế độ báo cáo về tuyển dụng, sử dụng lao động, tai nạn lao động, không trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do pháp luật lao động chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, thẩm quyền quản lý của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, bỏ sót, dẫn đến né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, những chế tài đối với vi phạm pháp luật lao động của doanh nghiệp chưa đủ răn đe, hoặc chung chung nên khó áp dụng. Cơ chế giám sát, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật, khắc phục sai sót của doanh nghiệp sau khi kiểm tra còn lỏng lẻo, không phát huy hết hiệu lực của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trong những năm qua, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, nhất là tác động của cạnh tranh lao động nên nhiều doanh nghiệp đã chú ý đến việc chấp hành pháp luật lao động. Tuy nhiên ở một số ngành nghề không phải cạnh tranh lao động, hay các doanh nghiệp làng nghề xuất phát từ hộ gia đình, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn phổ biến. Công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động còn bất cập, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cũng như thanh tra, kiểm tra và giám sát thực thi pháp luật quan hệ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động; quản lý Nhà nước về quan hệ lao động chưa tập trung vào một mối; Các thiết chế hỗ trợ hiện tại (hoà giải, trọng tài, xét xử) chưa phát huy hiệu quả; Cơ chế tham vấn 3 bên chưa đủ mạnh và chưa ngang tầm với sự phát triển. Vai trò đại diện cho người lao động của tổ chức công đoàn, hay các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề chưa phát huy trong đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động để tham vấn, ký kết thoả ước lao động tập thể, hoà giải, giải quyết tranh chấp lao động và đình công.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững là một biện pháp quan trọng bảo đảm sự ổn định cho phát triển của doanh nghiệp. Tăng cường mối quan hệ “3 bên” sẽ góp phần tích cực cho nhiệm vụ này. Hằng năm, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động của tỉnh bên cạnh việc phổ biến, triển khai kịp thời các văn bản về chế độ chính sách pháp luật tới Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố để phổ biến tới các doanh nghiệp, còn phát hành các biểu mẫu để doanh nghiệp tự kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, cần có những kiến nghị và xử lý kiên quyết hơn với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp cho người lao động nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động để tự bảo vệ và tự giác chấp hành. Việc giáo dục pháp luật về lao động cần được chú trọng kết hợp ngay từ khâu đào tạo nghề để người lao động không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà hiểu rõ vai trò, vị thế của mình trong doanh nghiệp, những quyền mà Nhà nước quy định và bảo vệ cho người lao động, từ đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cũng như chủ doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật lao động./.

Trần Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com