Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh hiện đang đào tạo 11 chuyên ngành gồm: thanh nhạc, oócgan, hội họa, nhạc cụ dân tộc, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, quản lý văn hóa, thư viện, kịch nói, cải lương, chèo. Ngoài việc đào tạo giáo viên chuyên ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật để bổ sung cho các trường tiểu học và THCS; đào tạo thư viện và quản lý văn hóa cho cán bộ thư viện và cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn, trường còn tuyển sinh các lớp sân khấu chèo, cải lương, kịch nói để bổ sung vào lực lượng cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh. Tham dự các hội diễn, hội thi các trường VHNT, nhà trường luôn giành thành tích cao. Về âm nhạc, giảng viên Thúy Hoa, đoạt HCV ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô”; Minh Thu, học viên lớp sân khấu K5, HCV vai diễn Thị Mầu lên chùa; Huy Công, học viên lớp âm nhạc K15, HCV tiết mục “Hội xuân đền Thượng”. Về mỹ thuật, các giảng viên: Vũ Xuân Dương, Trần Văn Thăng, Lương Văn Phương, các học viên: Nguyễn Văn Thanh, Lương Xuân Đoàn, lớp mỹ thuật K16 đã đoạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm mỹ thuật trong và ngoài tỉnh, triển lãm tranh học sinh, sinh viên toàn quốc.
Giờ học của học sinh lớp hội họa, Trường Trung cấp VHNT tỉnh. |
Thực hiện chủ trương phân luồng của Bộ GD và ĐT, nhà trường tuyển đối tượng là học sinh năng khiếu ở các trường THCS, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và được thi tuyển vào các trường đại học cùng nhóm ngành. Hiện nay, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học khá cao. Học sinh ra trường hầu hết được tiếp nhận vào làm việc đúng chuyên ngành đào tạo và phát huy tốt kiến thức học tập. Bên cạnh đào tạo hệ trung cấp nghệ thuật, nhà trường liên kết với các trường: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam… đào tạo hệ đại học các ngành: Quản lý văn hóa, Thư viện - Thông tin, Văn hóa Du lịch, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật…
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ, hội thảo, lấy phiếu thăm dò ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động để đổi mới phương pháp giảng dạy; phát động các phong trào thi đua giáo viên dạy giỏi, phát huy sáng kiến kinh nghiệm. Nhà trường chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kiến thức quản lý, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường. Hiện tại, trường có 32 giáo viên đạt trình độ đại học, trong đó có 6 thạc sỹ. Những năm qua, nhiều giảng viên của trường đạt giải cao trong các kỳ hội giảng và được công nhận là giảng viên dạy giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh như thầy giáo Đặng Hoài Anh, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hoa, giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, thầy giáo Phạm Xuân Tùng, thầy giáo Vũ Xuân Dương, thầy giáo Chung Chí Phát, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thực hiện Thông tư 16/2010/Bộ GD và ĐT về việc ban hành “Quy định về xây dựng, quản lý chương trình môn học trong trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề”, trường đã rà soát, bổ sung các chương trình chi tiết môn học để đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn lực. So với trước đây, chương trình đào tạo rút ngắn từ 4 năm xuống còn 3 năm; tăng cường thời gian thực hành và bám sát nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Trong 2 năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành đạt trên 90%, cơ hội việc làm cho học sinh ngành sư phạm đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh làm việc đúng ngành nghề đào tạo đạt 90%, phát huy tốt khả năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng./.