“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời tâm huyết thiết tha ấy để giục giã nhân dân ta thực hiện phong trào “Bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ, diệt “giặc dốt” khi nước nhà vừa giành được độc lập trong hoàn cảnh 90% số dân ta không biết chữ. Tất nhiên, câu nói của Người về một dân tộc dốt không chỉ có ý nghĩa nhất thời. Một dân tộc muốn luôn luôn vững vàng, phát triển, muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì lại càng phải ý thức rõ ràng, thời nào cũng phải chăm lo, phấn đấu học tập; lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu, phải thực sự có “xã hội học tập”.
Với “Bình dân học vụ”, chúng ta có hàng vạn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, dân công và đông đảo nhân dân biết đọc, biết viết để thực hiện “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; vừa đánh giặc, vừa học tập. Đội quân dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là đội quân có tầm tri thức cao hơn hẳn thời mất nước.
Với nền giáo dục mới toàn diện, với hệ thống từ đại học, cao đẳng đến trung cấp, sơ cấp, dạy nghề hình thành và phát triển trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng ta có đông đảo thanh niên có kiến thức cao hơn hẳn thực hiện vai trò xung kích cùng nhân dân cả nước xây dựng và đấu tranh giải phóng Tổ quốc, dám đánh và biết đánh thắng đạo quân xâm lược nhà nghề Mỹ với vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Những tân cử nhân sẽ là những người đóng góp trí tuệ, tài năng đưa đất nước đi lên. |
Lớp lớp người có học đi ra từ kháng chiến được bổ sung lực lượng ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên từ hệ thống giáo dục trong nước và nước ngoài trở thành nguồn lực cơ bản thực hiện thành công công cuộc đổi mới, bước đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ nước kém phát triển, thu nhập thấp, đến đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; nhân dân đã qua cảnh đói nghèo, kham khổ, lạc hậu. “Thu nhập trung bình” là một nấc thang tiến bộ, một đích lớn sau chặng đường phấn đấu gian nan, quyết liệt. Nhưng “thu nhập trung bình” cũng là một ngưỡng, một “cái bẫy” mà nếu chỉ dựa vào vốn liếng tri thức, cách làm, cách học đã có, chúng ta không thể vượt qua để bứt lên trở thành quốc gia giàu mạnh, tiên tiến. Không ngẫu nhiên những tháng năm này chúng ta phải suy ngẫm, bàn luận nhiều về các nguồn nhân lực, nhân tài; đó là một thách thức của phát triển. Không ngẫu nhiên, ở đâu, từ đồng ruộng đến công trường, nhà máy; từ việc kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội… đến cả chính việc dạy và học, nơi nào cũng thấy cần người tài giỏi, cách làm ăn mới. Nhưng có bao giờ nước ta, dân ta có điều kiện học tập, học hỏi mọi nghề, mọi mặt thuận lợi như bây giờ? Ở đâu cũng có thể học, trường làng, buôn bản dẫu nhiều nơi chưa hẳn đã là “trường ra trường, lớp ra lớp” nhưng hầu như nơi nào cũng có internet, phát thanh, truyền hình; khối lượng sách vở, báo chí, tài liệu hướng dẫn cứ mỗi năm lại lập kỷ lục mới, làng xã nào cũng có giáo viên cùng nhiều người có học… Hệ thống giáo dục, đào tạo bậc cao mở ra khắp cả nước, giáo sư, giảng viên giỏi trong nước, từ nước ngoài mỗi ngày mỗi đông. Cơ hội du học ở các nước tiên tiến ngày càng thuận lợi… Cần phải học, có điều kiện học thuận lợi chưa từng có, thời học hành ở ta nở rộ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, có nhu cầu, điều kiện, có sự mở rộng lại chưa hẳn là việc học hành tất sẽ thành công. Vấn đề còn lại là việc học được tổ chức, quản lý như thế nào. Thực tế, mới thấy việc học đã phát triển về bề rộng, nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu chất lượng. Các lớp học thêm, dạy thêm, các lớp Tiếng Anh, công nghệ thông tin, các lớp dạy nghề, dạy kiến thức và kỹ năng sống… mở ra khắp chốn, nhất là ở các đô thị, vậy nhưng hiệu quả học tập vẫn thấp. Đại học, cao đẳng địa phương nào giờ cũng có, nhưng trường tốt thực sự có thể so đọ với khu vực vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cầm tấm bằng đại học, chứng chỉ nghề trong tay nhưng hầu như sinh viên nào ra trường cũng phải đào tạo lại, bổ túc nghề nghiệp, kiến thức nếu không chỉ có cách tìm việc trái ngành, trái nghề cốt để kiếm sống. Chỉ đủ để kiếm sống thôi nghĩa là khó để làm giàu, càng khó để đóng góp trí tuệ, tài năng đưa đất nước đi lên.
Thách thức phát triển, thách thức vượt ngưỡng là thách thức rất lớn đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân; đòi hỏi cuộc đổi mới quyết liệt, toàn diện của giáo dục, đào tạo, của xã hội học tập./.
Theo: Báo Nhân dân