Thanh niên nói “không” với rượu, bia khi tham gia giao thông

10:09, 22/09/2011

Những năm gần đây, lối sống tiêu dùng hiện đại với việc lạm dụng rượu, bia, nhất là trong giới trẻ, đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng thanh niên sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã và đang trở thành nguy cơ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. 

Sau mỗi "chầu nhậu", chủ những phương tiện này có nguy cơ cao gây TNGT.
Sau mỗi "chầu nhậu", chủ những phương tiện này có nguy cơ cao gây TNGT.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về thực trạng thanh niên sử dụng rượu, bia ở nước ta hiện nay. Kết quả ban đầu cho thấy, những năm gần đây thanh niên lạm dụng rượu, bia có xu hướng tăng về số lượng và mức độ: Có tới 78,5% số sinh viên được hỏi, trả lời đã từng uống rượu, bia, chỉ có 21,5% chưa bao giờ uống, trong số đã từng uống chỉ có 15% là đã bỏ. Trên thực tế, đối tượng thanh niên uống rượu, bia ngày càng mở rộng về đối tượng, cả nam và nữ, không trừ đối tượng nào. Điều đáng báo động là số lượng thanh niên lạm dụng rượu, bia có xu hướng tăng, uống nhiều lần trong ngày, trong tháng và có hứng thú khi uống; thanh niên đã uống rượu, bia đắt tiền (sản xuất ở nước ngoài) tương đối phổ biến, không gian uống rượu, bia được mở rộng, cả lúc vui và cả lúc buồn, cả trong ngày lễ, tết và cả trong các ngày thường. Cũng kết quả của cuộc điều tra trên cho thấy: Có tới 70,9% số sinh viên được hỏi cho biết: bản thân đã từng uống rượu, bia từ 1 lần/tuần đến vài lần/tuần, uống 1 lần/tháng đến vài lần/tháng và đáng lưu ý trong số đó có tới 3,1% trả lời là uống hằng ngày. Một thực trạng cũng cần nói tới là: Đa số thanh niên uống rượu, bia là do thụ động: Có tới 70% số sinh viên được hỏi trả lời là đến với rượu, bia là do người khác mời rủ, chỉ có 15% trả lời là tự mình tìm đến và 15% không nhớ là mình đến bằng con đường nào.

Thực trạng thanh niên uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh ta là khá phổ biến. Quan sát các quán bia trên đường Bắc Ninh, Nguyễn Du… hay các quán ăn tại đường Trần Nhân Tông, vào các giờ cao điểm (17h30-20h) khách hàng là thanh niên chiếm trung bình trên 60%. Sau những cuộc vui này, họ đều tự điều khiển các phương tiện để tham gia giao thông và chắc chắn với nồng độ cồn không nhỏ trong người. Nhiều người dân tại đường Trần Phú (Thành phố Nam Định) vẫn còn nhớ rõ vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra tại khu vực Ngã Sáu Năng Tĩnh cách đây không lâu. Vào khoảng 21 giờ, bốn thanh niên cùng ngồi trên 1 chiếc xe máy đã đâm vào một người đi ngược chiều làm người này tử vong tại chỗ. Trong quá trình điều tra nguyên nhân tai nạn, 4 thanh niên khai nhận trước khi gây tai nạn đã uống rượu tại một quán thịt chó tại phường Văn Miếu nên khi đi đường đã không làm chủ được tay lái… Ở các vùng nông thôn, tình trạng thanh niên lạm dụng rượu, bia cũng đang trở thành thực trạng đáng báo động. Ghé vào một quán ăn trên đường 21 đoạn đi qua Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Là ngày cuối tuần nên bãi gửi xe đông nghịt. Những tiếng “dô”, những lời chúc tụng vang lên không ngớt, ai nấy mặt cũng đỏ tưng bừng. Không ít trong số đó là thanh niên trong độ tuổi dưới 30. Sau khi sử dụng một số lượng lớn bia, rượu, ai cũng chuệnh choạng khi rời khỏi bàn nhưng vẫn mỗi người một xe “vô tư” cầm lái. Thậm chí có nhiều trường hợp đã bắt đầu “lè nhè” nhưng vẫn chưa chịu về, sau khi trả tiền họ tiếp tục hẹn nhau đi “tăng hai” ở một quán karaoke!

Thực trạng đáng buồn đó cho thấy đã đến lúc Đoàn, Hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình để ngăn chặn thanh niên uống rượu, bia tham gia giao thông. Trước hết, cần thống nhất các quan điểm và nhận thức của các cấp bộ Đoàn, Hội. Đây là giải pháp có tính quyết định và chi phối công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của Đoàn, Hội. Theo đó, các cấp bộ Đoàn, Hội cần thống nhất một số quan điểm như: Phòng chống lạm dụng rượu, bia trong thanh niên là nhiệm vụ quan trọng của các cấp bộ Đoàn, Hội. Phòng chống lạm dụng rượu, bia là nhằm chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho thanh niên và trực tiếp là hạn chế TNGT, chống gây thương tích cho thanh niên. Công tác phòng chống lạm dụng rượu, bia phải trở thành công việc cấp bách, thường xuyên, liên tục và phải được chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của các cấp bộ Đoàn, Hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ, hành vi đúng đắn của thanh niên với rượu, bia thông qua các giải pháp truyền thông để làm cho thanh niên biết những tác hại đến sức khỏe và những hậu quả xã hội do việc lạm dụng rượu, bia gây ra. Để hạn chế, đẩy lùi hiện tượng lạm dụng rượu, bia trong thanh niên, trước hết các cấp bộ Đoàn, Hội cần có cách tiếp cận mới đối với thanh niên. Đó là chuyển từ phương pháp chỉ coi tổ chức là chủ thể sang phương pháp phải coi thanh niên cũng là chủ thể trong công tác phòng chống lạm dụng rượu, bia. Đồng thời phải thay đổi cách ứng xử với thanh niên: từ cách áp đặt, thuyết giảng, thiếu coi trọng sang cách để thanh niên tự chủ, cùng tham gia, cùng trao đổi, cùng thảo luận; từ phương pháp nói cho thanh niên nghe sang phương pháp nghe thanh niên nói và giải thích cho họ hiểu; từ phương pháp cán bộ nói cho thanh niên nghe sang phương pháp tương tác; từ phương pháp dắt tay chỉ việc sang phương pháp định hướng để thanh niên tự làm... Ngoài ra, cần được tăng cường công tác chỉ đạo và thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, Đoàn, Hội đang triển khai nhiều phong trào và cuộc vận động. Do đó, cần lồng ghép cuộc vận động thanh niên không lạm dụng rượu, bia với các phong trào khác. Cụ thể là gắn liền với cuộc vận động “Thanh niên với văn hoá giao thông”, “Thanh niên đồng hành cùng với ATGT”, “Thanh niên sống đẹp”. Các cấp Đoàn, Hội cần đề ra các quy định như: Tổ chức không uống rượu, bia trong các hội nghị, cán bộ không uống rượu, bia trong ngày làm việc. Cần tổ chức ký cam kết giữa các cơ sở Đoàn, Hội; thanh niên ký cam kết không lạm dụng rượu, bia. Các cấp bộ Đoàn, Hội cần đưa cuộc vận động không lạm dụng rượu, bia vào chỉ tiêu thi đua.

Có lẽ cuộc đấu tranh “An toàn giao thông là nói không với bia rượu” sẽ cần phải được thực hiện bền bỉ, thường xuyên và liên tục. Thanh niên với vai trò xung kích của mình chính là lực lượng phải đi đầu trong cuộc đấu tranh lâu dài đó./.

Bài và ảnh: Thúy Ngần

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com