Nhân tài - Hiểu đúng để dụng trúng

09:09, 15/09/2011

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thu hút và phát huy nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đó là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng thực hiện và thành công, góp phần mang lại thành công không nhỏ cho sự phát triển ở quốc gia họ. Tổng kết kinh nghiệm từ nước Mỹ cho thấy, đầu tư cho nhân tài là khoản đầu tư có nhiều khả năng sinh lợi nhất. Vì thế, giới doanh nghiệp Mỹ đã bắt tay với Chính phủ nước họ nhằm tạo ra không chỉ một hành lang pháp lý mà cả các chính sách hỗ trợ cụ thể cho đội ngũ nhân tài. Thống kê trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2010-2011 cho thấy, chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Mỹ xếp thứ 6 trên thế giới; còn mức độ gắn kết giữa các trường đại học và khu vực sản xuất thì đứng đầu thế giới. Còn tại Singapore - một đất nước nằm trong khu vực Đông Nam Á - trong khoảng một chục chỉ số xếp hạng, có rất nhiều chỉ số quốc gia này đứng trong top đầu của thế giới và châu lục như: chỉ số chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp đứng thứ 8 thế giới, hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa trường đại học và doanh nghiệp đứng thứ 6 thế giới...

Khuê Văn Các - Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Khuê Văn Các - Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ảnh: Internet

Trong lịch sử dân tộc ta, trải qua nhiều triều đại phong kiến cho đến thời kỳ hiện đại, vai trò của các bậc hiền nhân luôn được đánh giá cao; đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh. Còn nhớ, tháng 11 năm 1946, trên trang nhất báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại Đoàn kết) có đăng thông báo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm mục đích phục vụ sự nghiệp “kiến thiết” đất nước - bài báo ngắn gọn, súc tích đó đã cho thấy rất rõ chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong những ngày đầu ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Hồ Chủ tịch thường nói “phải trọng nhân tài, phải trọng cán bộ, trọng những người có ích cho công việc chung của chúng ta” và căn dặn “phải biết tùy tài mà dùng người” thì sẽ thành công. Quan điểm ấy của Hồ Chủ tịch về công tác phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài đã trở thành một nhiệm vụ cốt lõi của Đảng ta trong công tác cán bộ.

Suốt chiều dài lịch sử hơn 80 năm của Đảng ta, công tác bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài đã có nhiều chuyển biến từ tư duy, nhận thức, đánh giá cho đến vận dụng, thực hiện, theo nhiều nhà nghiên cứu, đó là một quá trình uốn nắn, khắc phục các xu hướng cực đoan, ấu trĩ, để đi đến đúng đắn. Mỗi lần Đại hội, nhất là kể từ Đại hội II của Đảng (1951) đến nay, trong các văn kiện, Đảng ta đều có những đánh giá về đội ngũ trí thức và thực tiễn phát triển của đội ngũ trí thức, nhân tài nước nhà và đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển đội ngũ trí thức, nhân tài trong thời kỳ mới, phù hợp cho từng giai đoạn phát triển đất nước. Xây dựng thành công đội ngũ trí thức nằm trong khối liên minh công - nông - trí trong những năm qua chính là thành công lớn của Đảng ta trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử, đòi hỏi của việc thu hút nhân tài lại đặt ra những yêu cầu khác nhau. Gần đây nhất, tại Đại hội XI, công tác thu hút và sử dụng nhân tài đã được coi là một khâu đột phá chiến lược. Trong Báo cáo Chính phủ trình Đại hội còn nhấn mạnh: “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức” - đây được xem là một trong những điều kiện quan trọng nhất đưa đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Muốn như thế, hàng loạt bài học kinh nghiệm được đúc rút trong thực tiễn lãnh đạo công tác cán bộ của Đảng cho thấy: bản thân mỗi trí thức, mỗi con người tài năng phải tự rèn luyện tu dưỡng, bởi “thông minh do học mà có, nhân tài do tích lũy mà nên”. Đối với những người lãnh đạo, quản lý nhân tài cũng rất cần sự công tâm; biết cách tạo ra và sử dụng những nhân tài của đất nước; phải lấy mục đích vì sự phát triển của đất nước để ứng xử với những người tài. Hồ Chủ tịch từng nói: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”./.

Theo: Báo Đại đoàn kết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com