Nhân rộng mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề

07:09, 26/09/2011

Tỉnh ta có nhiều làng nghề thực phẩm truyền thống như bún, phở Giao Cù, bánh đa, bún, miến Nam Dương (Nam Trực); nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu, nem nắm Giao Tiến (Giao Thủy); nước mắm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); bánh cuốn làng Kênh (TP Nam Định)… Sản phẩm của các làng nghề truyền thống được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phần lớn được sản xuất, tiêu thụ trong thời gian ngắn và hầu như chưa được đăng ký cấp phép sản xuất. Mặt khác, ý thức của người sản xuất về ATVSTP còn nhiều hạn chế: dụng cụ chế biến không đánh rửa thường xuyên; một số làng nghề chế biến bánh đa, miến vẫn phơi sản phẩm hai bên trục đường giao thông; khu sản xuất của một số gia đình được đặt cạnh cống rãnh, chuồng lợn… Thậm chí vì lợi nhuận, nhiều hộ vẫn sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trong việc chế biến thực phẩm. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho lãnh đạo chính quyền các địa phương, chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh về ATVSTP, góp phần thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, từ đầu năm 2011, Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) đã triển khai, xây dựng mô hình ATVSTP tại các làng nghề thực phẩm truyền thống. Làng nghề thực phẩm được chọn xây dựng mô hình là làng sản xuất bánh đa, bún, miến, bánh cốm xã Nam Dương (Nam Trực). Xã Nam Dương hiện có 48 hộ gia đình tham gia làm nghề, trong đó 32 hộ làm miến, bánh đa. Tháng 8-2011, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với chính quyền xã triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn kiến thức về ATVSTP cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất. Tại các lớp tập huấn, các học viên được cấp phát tờ rơi tuyên truyền và cung cấp những kiến thức về bảo đảm ATVSTP, các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm; cách lựa chọn thực phẩm để chế biến; những văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Cùng với bồi dưỡng kiến thức, Chi cục còn kiểm tra sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất bảo đảm không lây truyền bệnh qua thực phẩm; kiểm tra, thẩm định để cấp giấy phép đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở sản xuất; ký cam kết trách nhiệm với các chủ cơ sở... Qua tập huấn, xã đã xây dựng những quy định mang tính chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát, bảo đảm ATVSTP với mỗi cơ sở, hộ sản xuất rượu. Các chủ cơ sở sản xuất, người trực tiếp sản xuất và chính quyền địa phương đã ý thức trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm. Dự kiến đến đầu tháng 12-2011, Chi cục ATVSTP sẽ đánh giá và rút kinh nghiệm, tiến tới tạo mô hình chuẩn về VSATTP để áp dụng ra diện rộng tại các làng nghề thực phẩm trong toàn tỉnh.

Mô hình ATVSTP làng nghề với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho chính quyền các địa phương, chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm ATVSTP, phòng chống các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Để bảo đảm ATVSTP tại các làng nghề, cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ, đầu tư cho cơ sở, người sản xuất mua sắm trang thiết bị; thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu, các công đoạn chế biến thực phẩm, đồng thời thường xuyên kiểm tra, tập huấn kiến thức về ATVSTP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com