Sống lâu - trường thọ có lẽ là sự mong ước của con người!
Có mạnh khỏe mới sống lâu, và sống lâu phải mạnh khỏe mới là mong ước cao nhất của con người.
Theo các nhà Dân số học thì ở thời cổ Hy Lạp, tuổi thọ trung bình của con người chỉ có 29 tuổi. Thế kỷ thứ 16: 21 tuổi, thế kỷ thứ 17: 26 tuổi, thế kỷ thứ 18: 34 tuổi. Ở nước ta, tuổi thọ trung bình của một số triều vua như sau: Nhà Lý 43,5 năm, nhà Trần 44,7 năm, nhà Lê 33,5 năm. Còn các vua nhà Nguyễn thì 40 tuổi đã làm lễ thượng thọ rồi.
Chuyện cũ kể rằng: ông Bành Tổ sống đến 800 năm, mà ngày nào cũng thắp hương cầu cho sống lâu hơn. Trong các đình chùa, đền miếu, trên các tủ chè, sập gụ, bát đĩa cổ, cho đến cái chiếu hoa nằm ngủ cũng thấy có chữ thọ. Sống lâu đúng là mong ước ngàn năm của con người, là một trong "Ngũ phúc lâm môn" (năm phúc vào nhà: Phúc, lộc, thọ, khang, ninh).
Ngày xưa, Bách Lý Hề là một ẩn sĩ thời Đông Chu, một người nổi tiếng. Vua Tần khi gặp ông, hỏi tuổi. Bách Lý Hề thưa "Tôi vừa bảy mươi". Vua Tần buồn bã than rằng: "Tiếc thay, già quá rồi!" Bách Lý Hề đáp lại: "Nếu Chúa công sai tôi đi đuổi chim, hay vào rừng bắt thú dữ thì tôi già thật rồi. Nhưng nếu cần tôi ngồi bàn việc nước thì tôi vẫn còn trẻ. Xưa ông Lã Vọng 80 tuổi đi câu ở bên sông Vị, Văn Vương mời về phong làm thượng phu, Lã Vọng đã giúp được việc xây dựng cơ nghiệp nhà Chu. Nay gặp Chúa công, tôi tưởng còn sớm hơn Lã Vọng được 10 tuổi".
Còn thời nay, Vích-to Huy-gô 80 tuổi, vẫn viết những tác phẩm nổi tiếng. Tề Bạch Thạch gần 80 tuổi mới vẽ những bức tranh tôm cá tuyệt vời. Pát-xtơ 73 tuổi, chỉ với một bán cầu đại não vẫn cho ra đời hơn 20 công trình khoa học. Ep-phen 67 tuổi, vẫn chỉ đạo xây dựng tháp Ep-phen nổi tiếng ở Paris, một công trình thế kỷ tượng trưng cho nước Pháp. Páp-Lốp nhà sinh lý học đã công bố các công trình lớn của mình vào những năm 73 đến 86 tuổi của cuộc đời. Còn Béc-na-Sô 94 tuổi vẫn cho ra đời những câu chuyện hài hước nổi tiếng thế giới…
Hạnh phúc tuổi già. Ảnh: Internet |
Ở nước ta, những tài năng sáng tạo của các bậc trí thức cao tuổi như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu, Bùi Huy Đáp, Nguyễn Cảnh Toàn, Tô Hoài… đâu có chịu lùi bước trước tuổi già. Cụ Võ An Ninh hơn 100 tuổi khi nhìn vào tấm bản đồ đất nước đã nói: "Có nhìn vào bản đồ mới thấy mình đi được nhiều nơi quá. Ở đời, đi được nhiều nơi là sướng lắm. Đi nhiều mới thấy đất nước mình rất đẹp, chỉ tiếc là không thu được hết vào máy ảnh".
Họa sĩ Bùi Xuân Phái, với những bức tranh Phố Hà Nội nổi tiếng, đã được nhà văn Nguyễn Tuân gọi là "Phố Phái", còn để lại bốn câu thơ:
Đúng là cuộc đời thì ngắn ngủi mà nghệ thuật thì vô tận, và sức sáng tạo cũng vô bờ bến. Cho nên ai cũng muốn tận dụng cuộc sống quý giá của mình để lao động, sáng tạo, đóng góp cho xã hội.
Nhà thơ Nguyễn Trãi đã viết: Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi xuân. Những sợ xuân qua, tuổi tác thêm… Còn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì viết: Chín mươi thì kể xuân đà muộn. Xuân ấy qua thì xuân khác còn…
***
Con người không thể ngăn cản được tuổi già đi tới, nhưng vẫn có thể làm chậm bước đi của nó. Các nhà lão khoa thế giới nói: "Con người có thể sống tới 150 năm". Và trên thế giới, nhiều cụ già đã sống tới 110 tuổi, 120 tuổi… và còn hơn nữa. Những thống kê trên thế giới cho biết, tuổi thọ của con người đang có chiều hướng tăng lên. Năm 1970, trên hành tinh của chúng ta đã có tới 307 triệu người sống trên 60 tuổi. Năm 1975 là 350 triệu và đầu thế kỷ 21 đã lên tới 580 triệu.
Ở nước ta, số người cao tuổi chiếm khoảng trên 10% dân số. Tuổi thọ trung bình của người già cũng ngày càng tăng lên, từ miền núi đến miền xuôi, ở đâu chúng ta cũng gặp các cụ già 80, 90 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn tiếp tục sáng tạo, đóng góp cho đời. Ở đâu, cũng thấy những CLB dưỡng sinh, CLB sức khỏe ngoài trời, CLB Thái cực Trường sinh, CLB cầu lông… thu hút đông đảo những người cao tuổi luyện tập, tăng cường sức khỏe. Sáng 12-9-2011 vừa qua trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công bố cụ Nguyễn Thị Trù, cụ bà cao tuổi nhất nước ta 118 tuổi, ở huyện Bình Chánh và cụ ông cao tuổi nhất là cụ Huỳnh Văn Lạc, 110 tuổi, quận 12 cũng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh…
Song câu nói: “Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi” vẫn chứa đựng một sự thật với người cao tuổi. Con người ta tuổi càng cao sức càng yếu là một quy luật. Nhưng con người với bản lĩnh sống của mình, vẫn luôn luôn phấn đấu để tuổi cao mà vẫn trẻ, để tuổi già mãi mãi mùa xuân!
Nhà văn Ê-ren-bua đã từng nói: “Chúng ta phải học làm người già”. Và con người với ước vọng sống đẹp của mình, luôn luôn chủ động chống lại cái già. Người ta nói: “Người khỏe có trăm điều mong ước, còn người yếu chỉ có một ước mong duy nhất - Đó là sức khỏe!”. Người Việt Nam ta thường có câu chúc “Chúc các cụ mạnh khỏe sống lâu”. Sống lâu mà ốm yếu thì thật là một điều bất hạnh. Vì thế chữ mạnh khỏe đặt trước chữ sống lâu là một chân lý.
Các nhà khoa học nói: Không một người lười biếng nào sống lâu. Muốn sống lành mạnh, hãy xua đuổi khỏi trái tim mình những điều bực bội. Hãy hài lòng với cuộc sống thực tại và yêu công việc của mình. Nhà khoa học Dale Carnegie đã viết cả một cuốn sách: “Quẳng gánh lo đi mà vui sống!”. Các thầy thuốc thì khuyên những người già không hút thuốc lá, không ăn mặn quá. Nếu có điều kiện, nên ăn dầu thực vật thay mỡ, ăn ít thịt, nhiều cá và rau tươi, hoa quả. Không uống nhiều rượu. Say sưa quá làm tổn hại sức khỏe. Lao động trí óc cũng là một thợ thủ công kéo dài cuộc sống. Muốn cho bộ não không già đi phải hoạt động tinh thần nhiều. Đọc sách, gặp gỡ bạn bè, nghe nói chuyện, cũng là một cách thể dục bộ não và giúp ích cho niềm vui sống! Những người cao tuổi sẽ cảm thấy trẻ hơn, yêu cuộc sống hơn, nếu mỗi ngày dành thời gian cho tập thể dục, tập dưỡng sinh hoặc đi bộ. Nhưng điều quan trọng là đừng để quá mệt mỏi. Hãy luôn nghĩ về những điều tốt lành. Vai trò của tinh thần cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ. Lạc quan, yêu đời, giúp cho cơ thể tự điều chỉnh, phục hồi và chiến thắng bệnh tật. Hãy duy trì các sở thích riêng lành mạnh, đọc báo, làm thơ, chăm sóc các loại cây cảnh hay những động vật mà mình yêu thích.
Tổ chức y tế thế giới đã định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là trạng thái không bệnh tật, mà còn là sự thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội... Chính vì thế người cao tuổi cần cố gắng điềm đạm, tránh những cảm xúc thái quá. Hãy cư xử độ lượng, vị tha với con cháu và mọi người xung quanh. Nóng giận, thù tức, đố kỵ, chấp vặt, rất có hại cho sức khỏe của chính mình. Cụ Khương Hữu Dụng trên 90 tuổi vẫn làm thơ và rất yêu đời. Cụ thường nói vui: Cái bí quyết sống lâu của tôi là có chuyện gì rắc rối xảy ra thì tôi xem như mình đã chết hôm qua rồi! Lại có người khuyên là người già không nên thay đổi chỗ ở. Hãy sống gần các thành viên trong đại gia đình, và con cháu là niềm vui của tuổi già. Và điều cần nhớ là đừng dại chia hết tài sản cho con cái khi còn đang sống. Nếu có thể thì nên có một sổ tiết kiệm để tuổi già không phải lo lắng.
Một nhà nghiên cứu có lần đã phỏng vấn một số cụ có tuổi thọ cao, phần lớn là những nhà hoạt động văn hóa, và đã thu được nhiều câu trả lời thú vị. Cụ Trần Lê Nhân nhà Hán học nổi tiếng trả lời: Bí quyết sống lâu của tôi là hòa bình. Hòa và Bình tức là quân bình, điều độ. Cụ Khương Mễ, nhà điện ảnh nổi tiếng thì nói: Uống một ly nước lọc trước khi đi ngủ và uống một ly nước lọc khi thức dậy… Còn giáo sư Trần Văn Giàu, nhà sử học, nhà văn hóa nổi tiếng, đã từng du học ở Pháp, ở Nga, người lãnh đạo khởi nghĩa và kháng chiến ở Nam bộ thọ tới 100 tuổi thì trả lời một cách ẩn dụ: Bí quyết là nằm sấp ít, nằm ngửa nhiều, không vui quá, không buồn quá, ngày nào cũng viết mấy trang.
Ngoài những bí quyết trên, cuộc sống xã hội và môi trường sống cũng tác động rất nhiều đến tuổi thọ của con người. Một xã hội tốt đẹp sẽ làm tăng niềm vui sống và kéo dài tuổi thọ cho con người.
Nhân ngày 1 tháng 10, xin chúc các cụ trường xuân bất lão, như viện sĩ hàn lâm Pháp Anđre Maurois đã nói: Nghệ thuật sống tuổi già là làm sao cho các thế hệ tiếp nối coi ta là chỗ dựa tin cậy chứ không phải vật cản, coi ta là thân hữu chứ không phải đối thủ. Sau bao năm cống hiến cho sự nghiệp, cho xã hội, nay người khôn ngoan đều biết dành những ngày còn lại cho chính mình, cho đời sống văn hóa của mình. Hãy làm cho tinh thần nở hoa trong tuổi già như phong lan nở hoa trên cành cổ thụ khẳng khiu./.
Bùi Hải Bình