Nâng cao trách nhiệm cá nhân với bảo vệ môi trường

10:09, 22/09/2011

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2011 với chủ đề “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta”, một lần nữa trách nhiệm của mỗi cá nhân với bảo vệ môi trường toàn cầu lại được nhắc đến. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao trách nhiệm, ý thức cá nhân với bảo vệ môi trường vẫn đang thiếu những giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Nghịch lý trong thu phí dịch vụ môi trường

Phí dịch vụ môi trường là một dạng phí phải trả khi sử dụng một số dịch vụ môi trường. Mức phí tương ứng với chi phí cho dịch vụ môi trường đó. Bên cạnh đó, phí dịch vụ môi trường còn có mục đích hạn chế việc sử dụng quá mức các dịch vụ môi trường. Có hai dạng dịch vụ và phải trả phí dịch vụ môi trường là dịch vụ cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và thu gom chất thải rắn. Nếu có hình thức thu phí phù hợp sẽ khuyến khích người dân giảm thiểu rác thải; đây là giải pháp thiết thực nâng cao ý thức cá nhân với việc bảo vệ môi trường. Song, hiện nay giải pháp này lại chưa được áp dụng hiệu quả.

Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam do Sở TN và MT phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và BĐBP tỉnh tổ chức tại xã Giao Long (Giao Thủy).
Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam do Sở TN và MT phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và BĐBP tỉnh tổ chức tại xã Giao Long (Giao Thủy).

Tại nhiều khu vực đất trống trên địa bàn Thành phố Nam Định xuất hiện nhiều đống rác vô chủ, từ vôi vữa, gạch vỡ đến đồ gia dụng cồng kềnh… Công nhân vệ sinh môi trường đô thị chủ yếu thu gom rác thải sinh hoạt thông thường, còn những loại rác thải như vôi vữa, gạch vỡ, cành cây lớn do người dân xả ra… bị từ chối thu gom. Do đó, người dân tự tìm cách xử lý. Phần lớn thuê xích lô, xe tải nhẹ chở đi vứt trộm. Tuy nhiên, trách nhiệm thu gom, xử lý chỗ rác này lại vẫn là Cty Vệ sinh và môi trường Nam Định, đơn vị phụ trách việc thu gom rác trên địa bàn Thành phố Nam Định. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Cty không tổ chức thu gom có thu phí với loại rác cồng kềnh, ngay từ nguồn thải? Đây không phải là nghịch lý duy nhất của hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay. 9 nghìn đồng/tháng là số tiền phí vệ sinh môi trường được áp dụng đồng đều cho hầu hết hộ dân trên địa bàn thành phố, từ hộ có nhiều khẩu, hộ ít khẩu, thậm chí hộ kinh doanh nhỏ, lẻ như các cửa hàng dịch vụ ăn uống… Lượng rác thải của nhà có nhiều nhân khẩu, hộ kinh doanh rõ ràng nhiều hơn. Theo đó, số lệ phí nộp phải tương đương với số rác xả thải ra môi trường, đây là giải pháp nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân với cộng đồng. Cách thu cào bằng không khuyến khích người dân hạn chế lượng rác thải. Không chỉ với việc thu phí dịch vụ môi trường, việc nâng cao trách nhiệm cá nhân đang thiếu những giải pháp về cơ chế quản lý, giám sát trách nhiệm cá nhân đối với bảo vệ môi trường.

Thiếu cơ chế khuyến khích, quản lý

Nếu hạn chế sử dụng túi nilông, sử dụng tiết kiệm điện, gas, bỏ rác đúng nơi quy định; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường quanh khu vực gia đình và nơi sinh sống của mình… là mỗi người đã tham gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Nhưng làm sao để đưa hoạt động hưởng ứng từ chiến dịch trở thành việc làm thường xuyên vẫn còn là vấn đề băn khoăn. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cá nhân là mục đích chính của nhiều chương trình hoạt động của nhiều tổ chức đoàn thể trong thời gian qua. Sở TN và MT có các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ môi trường. Nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai. Những năm qua, Hội Nông dân vận động hàng nghìn hộ dân thực hiện chăn nuôi theo mô hình biogas, xây dựng câu lạc bộ tự quản bảo vệ môi trường; Hội Phụ nữ tổ chức các tổ, đội thu gom rác thải; LĐLĐ xây dựng mô hình công nhân, viên chức, lao động bảo vệ môi trường… Song có thể thấy, những kết quả thu được từ các phong trào bảo vệ môi trường của tổ chức chính trị, đoàn thể chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân. Nông dân sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi đến mức báo động, rác thải sinh hoạt xuất hiện tràn lan trên nhiều tuyến đường trục liên xã, liên huyện, tình trạng mất vệ sinh môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng… vẫn diễn ra ở nhiều khu vực, ở không ít bộ phận dân cư… Rác tràn ngập từ đường phố, công viên, bến xe, nhà ga, trường học đến bệnh viện. Những biển báo “cấm đổ rác”, “cấm vứt rác”… xuất hiện nhan nhản nhưng chẳng mấy người quan tâm tới. Các hoạt động tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể xã hội chưa thực sự có tác dụng lôi kéo người dân tham gia. Những nỗ lực cổ động trực quan, những đợt ra quân chưa tạo được sự thay đổi lớn về nhận thức. Việc thực hiện trách nhiệm cá nhân với bảo vệ môi trường sẽ thể hiện cụ thể hơn khi có cơ chế thưởng, phạt cụ thể về vấn đề này.

Biện pháp phân loại rác từ nguồn hay mô hình thu gom rác thải mới với phương châm “xả rác bao nhiêu, trả phí bấy nhiêu” đang được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Việc buộc người xả thải rác chịu chi phí xử lý góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đánh thuế cao với túi nilông sẽ tác động việc hạn chế sử dụng túi nilông của người dân. Thực tế trên cho thấy để nâng cao nhận thức của cộng đồng cần có những cơ chế quản lý thiết thực, cụ thể song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức./.

Bài và ảnh: Ngân Huyền

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com